“Dị ứng” với gluten có thể gây vô sinh

(Dân trí) - Có tới 25% số bệnh nhân hiếm muộn được phân loại là “vô sinh không rõ nguyên nhân” và không dung nạp được gluten có thể là một lý do ở những trường hợp này.

 

“Dị ứng” với gluten có thể gây vô sinh


 

Colleen Francisca, 32 tuổi, là một ví dụ. Cô là một người rất mê đồ ngọt và đã quyết định mở một cửa hàng bán các món tráng miệng vào năm 2012.

 

Nhưng vào năm ngoái, cô đã bị một đợt dị ứng nặng sau khi ăn món bánh ngọt và buộc phải suy nghĩ lại về thứ đồ ăn “khoái khẩu” của mình.

 

Francisca cho biết: “Tôi đã không thể thở được. Đường thở của tôi tắc lại và mặt tôi bắt đầu sưng phù lên”.

 

Một loạt các xét nghiệm sau đó đã chẩn đoán Francisca bị một tình trạng gọi là “không dung nạp gluten”.

 

Các triệu chứng của không dung nạp gluten bao gồm chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy hoặc đau khớp.

 

Cô đã ngay lập tức cắt giảm các loại thực phẩm chế biến sẵn làm từ bột mì như bánh ngọt, ra khỏi chế độ ăn hằng ngày.

 

Một tháng sau đó, Francisca đã sốc khi biết mình có thai, vì suốt 6 năm trước đó cô đã rất cố gắng để có một đứa con.

 

Cô cũng đã thử điều trị thụ tinh nhân tạo nhiều lần.

 

Francisca cho biết: “Chúng tôi đã làm rất nhiều xét nghiệm về nội tiết, tinh trùng và những xét nghiệm tổng quát thông thường, tất cả đều cho thấy cả hai chúng tôi đều khỏe mạnh, vì thế thật thất vọng khi nghe các bác sĩ nói rằng chúng tôi bị “vô sinh không rõ nguyên nhân”. Chúng tôi đã thử mọi cách khác và điều khác biệt duy nhất tôi đã làm là từ bỏ gluten và thay đổi chế độ ăn.”

 

Các bác sĩ thường phân loại những trường hợp vô sinh là “không rõ nguyên nhân” sau khi đã kiểm tra hết các yếu tố, bao gồm số lượng tinh trùng, chu kỳ rụng trứng và tình trạng của ống dẫn trứng.

 

Nếu xác định không có gì bất thường với các yếu tốt này thì việc điều trị thụ tinh nhân tạo sẽ được bắt đầu.

 

Một chuyên gia về điều trị vô sinh đã chỉ ra tỷ lệ không dung nạp gluten cao hơn ở những bệnh nhân “vô sinh không rõ nguyên nhân”.

 

TS. Loh Seong Feei, cố vấn cao cấp về sản phụ khoa tại Trung tâm vô sinh Thomson, Singapore cho biết: “Trong không dung nạp gluten, bệnh nhân thường có mức độ tự miễn nhất định, vì cơ thể sản sinh ra những kháng thể chống lại đường ruột, hậu quả là khiến ruột không hấp thu được, và tình trạng tự miễn này có thể là nguyên nhân gây ra vấn đề về sinh sản”.

 

“Có lẽ đã đến lúc cần xem xét chiến lược để sàng lọc hoặc điều trị cho nhóm bệnh nhân này thay vì trông chờ hoàn toàn vào thụ tinh trong ống nghiệm hoặc thụ tinh nhân tạo, một thay đổi đơn giảm về chế độ ăn đôi khi cũng đủ để giúp những bệnh nhân này có thai”.

 

Nhưng không phải tất cả các chuyên gia đều đồng tình với ý kiến này, vì chưa đủ số liệu chứng minh mối liên quan nhân quả.

 

Song các bác sĩ đều nhất trí rằng cần có thêm những nghiên cứu về tỷ lệ không dung nạp gluten ở châu Á trước khi thực hiện xét nghiệm thường quy căn bệnh dị ứng này tại các cơ sở điều trị vô sinh.

 

Gluten là hỗn hợp hai protein gồm gliadin và glutenin. Các chất này liên kết với tinh bột, và tồn tại trong nội nhũ của hạt của một số loại cây hoà thảo, đặc biệt là lúa mì, yến mạch và lúa mạch. Gluten có trong các sản phẩm bánh, được dùng để thay thế thịt hoặc bổ sung như chất phụ gia thực phẩm vào nhiều loại đồ ăn chế biến sẵn.

 

Cẩm Tú

Theo Channelnewsasia