1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đi 3 viện khám mới biết nhiễm "vi khuẩn ăn thịt"

Minh Nhật

(Dân trí) - Sau khi nhập viện, bệnh nhân đã được điều trị tích cực, chụp cộng hưởng từ khớp vai cho thấy viêm và áp xe cơ dưới vai, viêm xương, viêm mủ khớp vai phải.

Ông Đ.V.N., 60 tuổi, sống ở Chí Linh (Hải Dương) có tiền sử đái tháo đường nặng.

Trước khi vào viện 2 tuần, bệnh nhân ho nhiều, sốt rét run (40 độ) kèm đau vùng cơ thắt lưng.

Bệnh nhân đã đến 2 cơ sở y tế khám và điều trị nhưng không đỡ, không tìm được căn nguyên sốt.

Sau đó, bệnh nhân tự đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương để điều trị trong tình trạng đau cơ vùng thắt lưng và khớp vai phải tăng dần, kèm sốt cao không rõ nguyên nhân, mệt mỏi nhiều.

Đi 3 viện khám mới biết nhiễm vi khuẩn ăn thịt - 1

Bệnh nhân đang được điều trị (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Sau khi nhập viện, bệnh nhân đã được điều trị tích cực, chụp cộng hưởng từ khớp vai cho thấy viêm và áp xe cơ dưới vai, viêm xương, viêm mủ khớp vai phải.

Kết quả cấy máu của bệnh nhân cho thấy có vi khuẩn Whitmore (tên khoa học vi khuẩn Burkholderia pseudomallei).  

Theo người nhà, bệnh nhân không đi đâu ngoài tỉnh Hải Dương. Quãng đường đi lại cũng chỉ từ nhà đến nơi làm việc là lò gạch gần nhà. Ông bị tiểu đường từ 4 năm nay nhưng đã phải tiêm insulin một năm trở lại đây.

ThS.BS Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp chia sẻ: "Khu vực Hải Dương không thường xuyên báo cáo ca bệnh Whitmore. Tuy nhiên, bệnh có thể xảy ra tản phát ở vùng đồng bằng Bắc bộ, bệnh khó chẩn đoán cho nên cũng dễ bị bỏ sót.

Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng đa dạng, và không điển hình dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Bệnh có thể diễn biến cấp tính, nhiễm trùng máu nặng, nguy kịch, tử vong, hoặc có thể gặp nhiễm trùng mãn tính, nhiễm trùng ẩn, kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm".

Theo BS Long, khi nuôi cấy bệnh phẩm để chẩn đoán, vi khuẩn thường mọc chậm và tỷ lệ mọc cũng không cao, làm cho việc chẩn đoán căn nguyên càng thêm khó.

Việc điều trị cũng khó khăn do vi khuẩn vốn đề kháng tự nhiên với nhiều kháng sinh, cho nên đòi hỏi điều trị phải đúng phác đồ, đủ thời gian mới có thể kiểm soát được bệnh.

Ngoài thời gian nằm viện điều trị, về nhà bệnh nhân còn phải uống thuốc 3-4 tháng. Cho đến nay, sau thời gian điều trị tích cực, các triệu chứng, biến chứng kèm theo của người bệnh đã có chiều hướng cải thiện rõ rệt, bệnh nhân đã cắt sốt, được hội chẩn chuyên khoa Ngoại chấn thương của bệnh viện để cân nhắc phẫu thuật làm sạch ổ viêm.

Với tỷ lệ tử vong lên đến 40-60%, bệnh Whitmore được Bộ Y tế đưa vào danh sách các bệnh lý nguy hiểm hàng đầu.

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, BS Long khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp như sau:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng.

- Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.

- Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

- Không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.