Đến viện muộn, gần 60% bệnh nhân nhồi máu cơ tim can thiệp kém hiệu quả

(Dân trí) - Tại Việt Nam, có tới 60% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến viện sau 12 giờ có các triệu chứng đau thắt ngực, gần 40% đến trước 12 giờ và chỉ có khoảng 2% bệnh nhân được đưa đến viện trong khoảng “giờ vàng” để đảm bảo điều trị tốt nhất.

Thông tin trên được PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết tại Hội nghị khoa học tim mạch toàn quốc do Hội Tim mạch học Việt Nam và Viện Tim diễn ra trong hai ngày 6 – 7/11 tại Ninh Bình.


Đi bộ “Mỗi giây cho một trái tim khỏe” diễn ra sáng 6/11 tại Ninh Bình.

Đi bộ “Mỗi giây cho một trái tim khỏe” diễn ra sáng 6/11 tại Ninh Bình.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, đó là con số được thống kê tại Viện tim mạch Quốc gia. Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân còn được đưa đến viện muộn hơn, thậm chí sau 2 ngày có cơn đau thắt ngực. Trong đó, theo khuyến cáo, với bệnh nhân khi xuất hiện cơn đau thắt ngực thời điểm lý tưởng để thực hiện can thiệp thông mạnh vành là 2 giờ đồng hồ kể từ khi có triệu chứng này. Sau 6 giờ là thời gian vàng để can thiệp; trước 12 giờ người bệnh vẫn còn cơ hội điều trị tốt nhưng với những trường hợp đến viện sau 12 giờ rất khó cứu hoặc để lại những di chứng nặng nề.

“Can thiệp tim mạch sớm, ngay từ đầu là khuyến cáo hàng đầu, vì nó mang lợi ích cứu sống bệnh nhân hơn nhiều so với biện pháp trước kia là tiêm thuốc tiêu huyết khối với tỷ lệ thông động mạch vành thấp mà lại gây biến chứng chảy máu não. Thời gian từ khi bệnh nhân nhồi máu cơ tim đau ngực đến khi nhập viện sau 12 giờ được xem là quá muộn. Lúc này cơ tim chết, khi đó dù can thiệp, bệnh nhân có sống cũng dễ bị biến chứng suy tim, rối loạn nhịp và chất lượng cuộc sống giảm sút”, PGS Hùng nói.

PGS Hùng cho biết hiện cả nước có khoảng 50 trung tâm can thiệp tim mạch, trong đó có 45 trung tâm thực hiện được kỹ thuật can thiệp mạch. Đánh giá về các kỹ thuật tim mạch của Việt Nam, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam khẳng định: “Hiện nay Việt Nam triển khai được tất cả các kỹ thuật tim mạch tiên tiến mà các nước trong khu vực, trên thế giới làm được, thậm chí có những mặt bệnh kỹ thuật của Việt Nam còn nổi trội hơn bởi chúng ta phải đối mặt với các căn bệnh này nhiều hơn, như can thiệp các bệnh lý tim mạch bẩm sinh, nong van tim... Có nhiều quốc gia trong khu vực cũng đã sang Việt Nam học hỏi về kỹ thuật tim mạch”.

Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Hội tim mạch học Việt Nam, kỹ thuật cao thì đương nhiên phải đầu tư phát triển, nhưng cơ bản nhất là cần triển khai các biện pháp tổng thể để vấn đề phòng bệnh, cấp cứu tim mạch phát triển nhất. Khi nhận thức người dân tăng, kiến thức của bác sĩ được phổ cập, việc nhận biết các dấu hiệu nguy cơ của bệnh lý tim mạch sẽ nhanh hơn, người bệnh được tiếp cận điều trị sớm hơn, sẽ có cơ hội chữa khỏi bệnh nhiều hơn.

“Nhiều người được chữa sớm, chữa khỏi có lợi ích y tế lớn hơn rất nhiều với việc triển khai kỹ thuật cao mà chỉ số ít bệnh nhân được hưởng thụ. Tuy nhiên, cả hai cái chúng ta cần phát triển song song, để đảm bảo người bệnh được điều trị sớm, nhưng khi người bệnh gặp những vấn đề phức tạp thì cũng có thể triển khai kỹ thuật cao thuần thục chữa trị cho bệnh nhân”, PGS Hùng chia sẻ.

Vì thế, tại hội nghị này có 50 phiên hội thảo khoa học, gồm 200 bài báo cáo chuyên đề, trong đó có nhiều chuyên đề tập trung sâu về chuyên đề bệnh lý tim mạch cấp cứu và cập nhật những tiến bộ mới nhất về hội chứng động mạch vành cấp, thuyên tắc động mạch phổi cấp, hội chứng động mạch phù cấp, cập nhật xử trí ngừng tuần hoàn, suy tim cấp, đột quỵ cấp và tăng huyết áp...

Cũng trong sự kiện này còn diễn ra nhiều hoạt động của Quỹ Vì sức khỏe Tim mạch Việt Nam với mục đích tư vấn và tuyên truyền nhằm giúp cho người dân có thêm kiến thức, hiểu biết để phòng chống bệnh lý tim mạch, nhận biết dấu hiệu nguy cơ của bệnh lý này; Tổ chức khám bệnh, tư vấn, phát thuốc và quà miễn phí cho 500 người dân có hoàn cảnh khó khăn tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; Tổ chức chương trình đi bộ với chủ đề “Mỗi giây cho một trái tim khỏe” tại Quảng trường Trung tâm Hội nghị tỉnh Ninh Bình.

Hồng Hải