1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đề xuất tiếp tục đàm phán giá với thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ

Nam Phương

(Dân trí) - Theo dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi, thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ sẽ không còn nằm trong danh mục đàm phán giá. Điều này sẽ gây ra một số điểm hạn chế, bất cập.

Dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi đang được xây dựng để trình Chính phủ xem xét thông qua trong tháng 8, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10. Trong đó có các nội dung quy định về mua sắm thuốc. 

Theo dự thảo, các thuốc được áp dụng theo hình thức đàm phán giá gồm thuốc biệt dược gốc còn hạn bản quyền, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền. 

Điều này đồng nghĩa các thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền sẽ không còn được áp dụng hình thức đàm phán giá. Nếu bị xếp đấu thầu chung với thuốc generic không chứng minh được tương đương điều trị thì sẽ không công bằng trong cạnh tranh về giá. Khi đó, các thuốc biệt dược gốc này sẽ không còn tồn tại ở thị trường Việt Nam khi không thể trúng thầu. Như vậy, sẽ giới hạn khả năng tiếp cận và quyền lựa chọn thuốc của bác sĩ điều trị và bệnh nhân. 

Khi có nhu cầu, người bệnh sẽ phải mua thuốc bên ngoài, điều này làm phát sinh các khoản chi từ tiền túi của người bệnh trong khi trước kia chi phí này có thể được san sẻ nhờ bảo hiểm y tế.

Đề xuất tiếp tục đàm phán giá với thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ - 1

(Ảnh minh họa: H.L).

Ngoài ra, theo các quy định hiện hành (thông tư 15 về đấu thầu thuốc, thông tư 32 về đăng ký thuốc), để được phân loại thành biệt dược gốc sẽ phải thực hiện một quá trình thẩm định nghiêm ngặt và được tham gia các hình thức mua sắm như đàm phán giá, đấu thầu theo gói biệt dược gốc riêng và cũng được (đây là quyền lựa chọn) tham gia trực tiếp vào các gói thầu thuốc generic. Hiện tại theo định nghĩa tại khoản 16, điều 2 của luật Dược thì: "Biệt dược gốc là thuốc đầu tiên được cấp phép lưu hành trên cơ sở có đầy đủ dữ liệu về chất lượng, an toàn, hiệu quả". Như vậy, không có sự phân biệt còn hạn bảo hộ hay hết hạn bảo hộ.

Vì thế, các chuyên gia kiến nghị tiếp tục thực hiện đàm phán giá với các thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền để đảm bảo hiệu quả điều trị của thuốc trúng thầu là giá trị điều trị thật sự hơn là chỉ tính giá thành.

Thuốc là mặt hàng đặc biệt, không thể chỉ cạnh tranh dựa vào giá

Việc lựa chọn thuốc cạnh tranh dựa trên giá hiện gây rất nhiều khó khăn cho các bệnh viện. Lãnh đạo một bệnh viện lớn ở Hà Nội cho biết, với đặc thù là bệnh viện tuyến cuối chuyên điều trị các ca bệnh nặng, ông luôn đấu tranh đến cùng để có thuốc tốt nhất cho bệnh nhân dù bị mang tiếng là "ghê gớm". "Cuối cùng, dù rất đau xót, tôi vẫn phải nói anh em mua thuốc generic thay vì thuốc biệt dược chống thải ghép dành cho bệnh nhân ghép tạng", vị này chia sẻ.

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng trong đấu thầu hàng hóa dịch vụ thông thường rẻ hơn là tốt nhưng điều này không đúng với thuốc chữa bệnh, vật tư tiêu hao. Liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh thì không thể chỉ căn cứ vào yếu tố giá rẻ, giá thấp. 

Một chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm về lĩnh vực đấu thầu cũng cho rằng chọn giá rẻ, nhưng "khổ" là giá rẻ của năm nay sẽ trở thành giá kế hoạch cho sang năm, và sang năm đấu thầu thì lại phải thấp hơn giá kế hoạch đấy, rồi lại chọn ra một giá rẻ nữa để trở thành giá kế hoạch cho sang năm. Như vậy, cứ theo lý thuyết đến một lúc nào đó thì mức giá đấy nó sẽ đi về con số 0. 

"Chúng ta đang quá quan tâm về giá. Giá càng lúc càng rẻ thì nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, kéo dài thời gian nằm viện… Vì thế rất cần đánh giá rõ ràng về chất lượng điều trị, hiện vẫn chỉ là đánh giá về mặt hóa lý- nhà máy đạt chuẩn, nguyên liệu… Nhưng cái khó nhất là tác dụng điều trị theo ý kiến của chính bác sĩ thì chưa được quan tâm", chuyên gia này phân tích. 

Chuyên gia này cũng cho rằng với những thuốc độc quyền giá đắt, thuốc hết hạn bản quyền thì vai trò là của Bộ Y tế, của Chính phủ trong việc thương lượng giá để có một mức giá ưu đãi. Phần còn lại có thể để bệnh viện tự chủ, có thể làm thí điểm trước nếu thấy hiệu quả, tiết kiệm thì có thể nhân rộng. 

Thời gian qua, công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu. Có 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. Các loại thuốc thiếu gồm thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

Tình trạng thiếu thuốc không mới nhưng đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm qua làm tình trạng này càng trở nên trầm trọng vì có sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng một số nhà sản xuất. Để giải quyết tình trạng này, về ngắn hạn có ý kiến cho rằng cần tạo cơ chế để có thể gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng cung ứng tạm thời từ 6 tháng đến 1 năm để cung ứng thuốc được thông suốt, hạn chế thiếu thuốc. Hiện Bộ Y tế cũng đang tiến hành sửa đổi thông tư 15 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. 

Thuốc phát minh (biệt dược gốc) là sản phẩm thuốc có chứa dược chất mới do các nhà nghiên cứu hoặc các nhà sản xuất sáng chế ra. Hãng dược đứng tên bằng phát minh được phép sản xuất độc quyền sản phẩm trong một thời gian nhất định (thường là từ 10 đến 20 năm kể từ ngày dược chất được tìm thấy).
Thuốc generic: Sau khi hết thời hạn bảo hộ phát minh, các công ty dược khác được phép sản xuất những thuốc tương tự biệt dược gốc được gọi tên là thuốc generic.