Làm thế nào để giải bài toán "sợ" đấu thầu thuốc, vật tư?

Nam Phương

(Dân trí) - TS Nguyễn Huy Quang cho rằng Bộ Y tế cần đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao... để biết được vướng ở chỗ nào từ đó có giải pháp giải quyết về gốc rễ.

Thời gian gần đây, tình trạng thiếu thuốc , vật tư y tế diễn ra ở nhiều tỉnh thành, nhiều bệnh viện, kể cả các bệnh viện lớn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người bệnh. Nhiều người thậm chí phải tự bỏ tiền túi để chi trả cho những dịch vụ đáng ra được bảo hiểm y tế thanh toán, thậm chí đi mua cả dây truyền dịch, bông gạc… 

Nguyên nhân của thực trạng trên theo nhiều ý kiến là do công tác đấu thầu chậm. Báo Dân trí phỏng vấn TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế để làm rõ hơn về những điểm nghẽn trong công tác đấu thầu hiện nay. 

- Theo ông đâu là lý do dẫn đến tình trạng đình trệ trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao thời gian qua?

- Với kinh nghiệm của cá nhân tôi, công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế đang vướng ở một số khía cạnh sau: 

Thứ nhất là vướng về quy định của pháp luật hiện hành. Lấy ví dụ chỉ việc quy định giá tham gia mời thầu phải bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu của 12 tháng trước đó đã được công bố ở bất kỳ địa phương nào của cùng một loại đã khó thực hiện. 

Làm thế nào để giải bài toán sợ đấu thầu thuốc, vật tư? - 1

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Lý do vì chưa tính đến yếu tố lạm phát. Giá bát phở gà trước đây chỉ khoảng 30.000 đồng thì giờ đã phải 45.000 đồng, đấy là chưa tính nếu ăn sang gọi thịt đùi thì giá còn khác nữa. Và khi đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên liệu, logistic (vận tải, bảo quản)… đều tăng, thì sẽ rất khó để đưa ra mức giá hợp lý. 

Nếu cứ lấy giá cũ thì không có doanh nghiệp nào có giá đấy. Nên dù bệnh viện có mời thầu thì không doanh nghiệp nào đưa ra được mức giá bằng giá của năm trước, không ai tham gia thì không thực hiện được việc mua sắm.

Thứ 2 là vấn đề dự báo kế hoạch sử dụng thuốc, vật tư (số lượng, chủng loại…) của bệnh viện nhiều khi không sát với thực tế. Ban đầu chúng ta tính thế này nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh mà dư thừa, đến khi hết dịch nhu cầu khám chữa bệnh tăng lên thì lại dẫn đến thiếu. 

Thứ 3 thời gian qua chúng ta tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19, làm sao nhãng công tác đấu thầu. Ngoài ra, do việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nên có hiện tượng khan hiếm thuốc, thừa thuốc nếu không sử dụng đến. 

Thứ 4 là gần đây có nhiều vụ việc bị khởi tố, truy tố, xét xử liên quan đến đấu thầu dẫn đến tâm lý lo ngại nếu mình làm trong bối cảnh các quy định về pháp luật, đấu thầu chưa rõ thì mình có bị sao không. Thậm chí có người bảo "Thà bị kỷ luật còn hơn bị truy tố trước pháp luật". Vì thế, tâm lý chung của nhiều anh em là e ngại. 

Các bệnh viện hiện thiếu đội ngũ chuyên nghiệp làm đấu thầu, có kinh nghiệm trong xây dựng hồ sơ mời thầu, đấu thầu, hiểu biết về trang thiết bị, thuốc, vật tư. Một số bị bắt, một số không làm việc nữa mà chuyển sang công việc khác an toàn hơn.

- Có ý kiến cho rằng việc lựa chọn thuốc, vật tư trúng thầu chỉ cạnh tranh dựa trên giá cả sẽ rất nguy hiểm. Quan điểm của ông như thế nào?

- Như tôi đã nói ở trên, việc đấu thầu thuốc đã khó đấu thầu trang thiết bị y tế còn khó hơn vì cùng một loại máy đấy nhưng cấu hình khác, tính năng kỹ thuật khác là giá đã khác nhau. Thuốc được thành 5 nhóm để đấu thầu nhưng vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế chưa được chia nhóm cụ thể, chưa tính yếu tố về hãng sản xuất, uy tín của các hãng khác nhau... thì giá khác nhau. Điều này cũng cản trở việc thực hiện đấu thầu. 

Ngoài ra có một điểm cần lưu ý, trong đấu thầu hàng hóa dịch vụ thông thường rẻ hơn là tốt nhưng điều này không đúng với thuốc chữa bệnh, vật tư tiêu hao. Liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh thì không thể chỉ căn cứ vào yếu tố giá rẻ, giá thấp. Các cụ xưa có câu nói "của rẻ là của ôi". Vì thế, cần có quy định đặc thù riêng cho thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế để chọn được thuốc, vật tư có chất lượng, giá cả hợp lý. 

- Ông có đề xuất gì để giải quyết được tận gốc những vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế?

- Để giải quyết các tồn tại trên, Bộ Y tế cần có đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu trong đó có sự phân biệt khác nhau giữa đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế để từ đó tìm ra thực trạng đúng. Tại sao bây giờ người ta không tham gia đấu thầu? Vướng ở đâu về thể chế? Vướng ở đâu về quá trình tổ chức thực thi? Vướng ở các nguyên nhân khách quan, chủ quan nào?

Từ đó, nếu quy định vướng ở các luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải trình Quốc hội để ra nghị quyết giải quyết. 

Làm thế nào để giải bài toán sợ đấu thầu thuốc, vật tư? - 2

Vướng ở Chính phủ thì chúng ta phải trình Chính phủ để giải quyết. Vướng ở liên tịch giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chúng ta phải cùng các Bộ đó giải quyết. Vướng ở các văn bản luật thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế thì Bộ đứng ra giải quyết. 

Có như vậy chúng ta mới từng bước tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc để công tác đấu thầu từng bước lập lại trật tự bình thường, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân. 

Cùng với vấn đề liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao là vấn đề lớn mà ngành y đang lúng túng và người làm rất dễ thành vi phạm. Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, yên tâm thực hiện, đâu là "lằn ranh đỏ" để người ta không thể vượt qua.

Do đó, cần phải có văn bản hướng dẫn như nghị định Chính phủ cụ thể hóa luật Quản lý tài sản công, luật Đầu tư công, luật Đấu thầu, luật Dược… Đồng thời, cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý công khai, minh bạch, đồng thời cũng tạo ra thể chế để quản lý cũng như bảo vệ các đơn vị tham gia đấu thầu.