Đề xuất 4 chiến lược để Đà Nẵng trở thành thành phố thực phẩm thông minh

(Dân trí) - Tại hội thảo, Khung chiến lược cho thành phố thực phẩm thông minh Đà Nẵng đã được Tổ chức Rikolto quốc tế đưa ra.

Sáng 21/2, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng phối hợp với Học viện nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả phân tích hệ thống thực phẩm và tiến hành xây dựng chiến lược phát triển thành phố thực phẩm thông minh.

Tại hội thảo, đại diện của Tổ chức Rikolto quốc tế đã đưa ra Khung chiến lược cho thành phố thực phẩm thông minh Đà Nẵng. Theo đó, chiến lược lấy con người là trung tâm của hệ thống thực phẩm và đề ra 4 chiến lược cụ thể.

Đề xuất 4 chiến lược để Đà Nẵng trở thành thành phố thực phẩm thông minh - 1

Hội thảo nhằm hoàn thiện chiến lược xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thực phẩm thông minh

 

Chiến lược thứ nhất là thực phẩm phải bổ dưỡng, đa dạng, chất lượng và an toàn.

Chiến lược đề xuất can thiệp cho Đà Nẵng là đẩy mạnh cung cấp thực phẩm lành mạnh tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa nhỏ và nhà hàng/quán ăn. Các doanh nghiệp nông nghiệp trong khu vực được khuyến khích cải thiện chất lượng dinh dưỡng của sản phẩm thực phẩm mà họ cung cấp. Mở các cửa hàng thực phẩm lành mạnh, giá cả phải chăng ở khu vực thấp và khó khăn.

Giảm thiểu sự tập trung quá mức của cửa hàng bán thức ăn nhanh, quán ăn nhanh, rượu và cửa hàng tiện lợi trong khu dân cư, xung quanh trường học và các cơ sở thanh thiếu niên.

Tăng cường mối quan hệ giữa người chăn nuôi lợn với thương lái, lò mổ lợn và tiểu thương – ký hợp đồng ràng buộc…

Chiến lược thứ 2 là tạo việc làm thu nhập tốt và kinh doanh nông sản tốt hơn.

Với chiến lược này, đề xuất can thiệp giúp các doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa trong lĩnh vực thực phẩm cải thiện chất lượng dinh dưỡng cho sản phẩm. Thúc đẩy khởi nghiệp. Khuyến khích lao động trẻ tham gia sản xuất. Thu hút thanh niên tham gia chuỗi giá trị thủy sản ở Đà Nẵng, đặc biệt ở khâu sản xuất. Nâng cao chuyên môn cho ngư dân. Tận dụng công nghệ và quy hoạch chung để củng cố ngành thủy sản.

Chiến lược 3 là khả năng chi trả và khả năng tiếp cận an ninh thực phẩm. Cụ thể, sẽ hỗ trợ xây dựng kho lạnh và đầu tư vào thiết bị đóng gói, chế biến tại các vùng thu hoạch rau. Nghiên cứu và sử dụng các loại vật liệu đóng gói sạch. Tăng cường đầu tư cho các cơ sở giết mổ, ưu tiên các chương trình phát triển chuỗi thịt lợn. Quy hoạch đô thị cho chăn nuôi, giết mổ lợn và cho các cơ sở chế biến hải sản. Xây dựng trung tâm cá tại Đà Nẵng. Thiếp lập hệ thống thông tin thị trường cho thị trường lợn.

Đề xuất 4 chiến lược để Đà Nẵng trở thành thành phố thực phẩm thông minh - 2

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã chia sẻ kết quả phân tích hệ thống thực phẩm và chuỗi giá trị tại Đà Nẵng

 

Chiến lược 4 là hệ thống thực phẩm và nông nghiệp có khả năng phục hồi và bền vững. Đề xuất can thiệp là xây dựng cơ sở xử lý chất thải hoặc cung cáp hỗ trợ kỹ thuật về các phương pháp xử lý chất thải bằng biện pháp sinh học cho người dân địa phương, đặc biệt đối với các loại rác thải như vỏ thuốc trừ sâu, bao bì phân bón nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phân bổ ngân sách để test mức độ ô nhiễm, tồn dư hóa chất trong môi trường đất và nước ở các vùng trồng rau.

Để có một chiến lược xây dựng TP Đà Nẵng trở thành thành phố an toàn thực phẩm, tháng 6/2018, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt dự án Phân tích chuỗi giá trị thực phẩm và xây dựng chiến lược thành phố thực phẩm thông minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 dưới sự hỗ trợ không hoàn lại của Quỹ nghiên cứu và Tư vấn Việt – Bỉ. Trong thời gian qua, lãnh đạo Đà Nẵng giao cho Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng phối hợp với Học viện nông nghiệp Việt Nam thực hiện nghiên cứu dự án trên. Hội thảo này là dịp để những người nghiên cứu có thể tiếp nhận các ý kiến của các chuyên gia, người quản lý và hoàn thiện dự án.

Khánh Hồng – Hoàng Hiệp