1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chủ động tìm nguồn thực phẩm sạch cho dân

(Dân trí) - Ngoài việc lấy mẫu để giám sát thực phẩm tại chợ đầu mối, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng còn ký kết cung ứng nông sản sạch với các địa phương, “khăn gói” đến các vườn rau, vựa trái cây… để mục sở thị xem sản phẩm có đạt chất lượng, đảm bảo an toàn không?

Mỗi năm, TP Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 140.000 tấn rau, củ, quả các loại, trong đó lượng rau do thành phố tự sản xuất khoảng 9.000 tấn, còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu 131.000 tấn.

Lượng trái cây, mỗi năm Đà Nẵng cũng nhập khoảng 76.000 tấn, trong đó từ các tỉnh trong nước khoảng 51.000 tấn và nhập khẩu khoảng 25.000 tấn.

khao sat cam tai vinh long 2.JPG

Để nguồn thực phẩm vào thị trường Đà Nẵng đảm bảo an toàn, Đà Nẵng đã ký kết cung ứng nông sản với các địa phương

 

Làm thế nào để thực phẩm kém chất lượng, chứa tồn dư hóa chất… không lên bàn ăn của người dân. Làm thế nào để người dân có thể yên tâm sử dụng những thực phẩm được đưa vào tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Đó là những trăn trở của lãnh đạo thành phố và người làm công tác quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng thời gian qua.

Ông Nguyễn Tứ, Phó trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng cho biết, rau, củ, quả nhập về Đà Nẵng có 12 tỉnh, trong đó có 7 tỉnh thường xuyên, các tỉnh còn lại theo mùa vụ.

Để nguồn thực phẩm vào thị trường Đà Nẵng đảm bảo an toàn, thời gian qua, Đà Nẵng đã ký kết với 7 địa phương có sản lượng rau, củ, quả, thịt, trái cây nhập về Đà Nẵng nhằm giám sát ngay từ cơ sở ban đầu.

Không dừng lại ở đó, cuối năm 2018, lãnh đạo và cán bộ Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng đã tổ chức đoàn công tác khảo sát tại tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Vĩnh Long. Đây là hai địa phương cung ứng lần lượt 40% sản lượng rau và 20% sản lượng trái cây tiêu thụ cho thành phố Đà Nẵng thông qua chợ đầu mối nông sản Hòa Cường.

khao sat cam tai vinh long.JPG

Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng còn cử đoàn về tận các địa phương cung ứng nông sản cho Đà Năng để khảo sát

 

Đoàn đã mục sở thị quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển trước khi vào cổng chợ đầu mối Hòa Cường. Không chỉ làm việc khảo sát tại các cơ sở thu mua, đoàn còn xuống tận vườn của các hộ dân để tìm hiểu về mối quan tâm hàng đầu đối với tiêu chí sạch là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Kết thúc chuyến khảo sát, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng và Vĩnh Long cùng thống nhất hàng năm sẽ có kế hoạch hợp tác cụ thể giữa hai đơn vị. Cụ thể, hai bên sẽ chia sẻ thông tin về kết quả lấy mẫu giám sát ô nhiễm thực phẩm đối với rau, trái cây cung ứng cho Đà Nẵng; chia sẻ thông tin danh mục thuốc bảo vệ thực vật người trồng trọt sử dụng đối với từng chủng loại rau, trái cây để làm cơ sở cho Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng chỉ định chỉ tiêu kiểm nghiệm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Trong năm 2018, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cũng đã chủ trì phối hợp với Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng khảo sát vùng trồng rau thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) là địa phương cung ứng khoảng 30% sản lượng rau tiêu thụ của thành phố và khảo sát vùng chăn nuôi tỉnh Bình Định (địa phương cung ứng khoảng 70% gia súc, gia cầm cho thành phố.

Theo ông Tứ, với kết quả quản lý an toàn thực phẩm từ những năm trước đến nay, tình hình chung sản phẩm thực phẩm mất an toàn đã giảm đáng kể.

“Tỷ lệ mẫu rau, trái cây bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn là 3% so với số mẫu kiểm tra (giai đoạn 2010 -2012, tỷ lệ này là 8 – 10%), không còn sử dụng vàng ô tạo màu cho măng, dưa cải như năm 2016; không phát hiên hàn the, foocmol, chất huỳnh quang trong bún, mỳ; chưa phát hiện hàn the, foocmol trong nem, chả; chưa phát hiện chất cấm, tồn dư kháng sinh trong thịt, thủy sản; không phát hiện methanol trong rượu thủ công…”, ông Tứ thông tin.

Khánh Hồng