1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Để tivi không gây hại cho trẻ nhỏ…

(Dân trí) - Rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc xem tivi nhiều không chỉ khiến trẻ bỏ lỡ các hoạt động thể chất mà còn ảnh hưởng tới học tập và những thói quen không tốt cho sức khỏe sau này. Vậy xem bao lâu và như thế nào sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ?

  

Để tivi không gây hại cho trẻ nhỏ… - 1


“Học thụ động” vì xem tivi

 

Mỗi giờ xem tivi mà trẻ tuổi chập chững xem mỗi tuần sẽ khiến các hành vi cư xử tại lớp kém đi, điểm toán thấp hơn, ít hoạt động thể chất và ăn vặt nhiều hơn ở tuổi lên 10, theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Lưu trữ Y tế Trẻ em và Trẻ vị thành niên.

 

“Trẻ em nên có các hoạt động làm phong phú thể chất như chơi cờ, chơi các trò chơi có xúc xắc, chơi những trò chơi giúp tăng cường kỹ năng vận động, đọc sách. Tất cả những thứ đó sẽ thay thế cho việc chỉ ngồi một chỗ”, trưởng nhóm nghiên cứu, Ph.D Linda Pagani, chuyên gia trường Pssychoeducation, ĐH Montreal, Quebec, Canana, cho biết.

 

Pagani và các cộng sự đã theo dõi hơn 1.300 đứa trẻ trong 7 năm. Qua phỏng vấn bố mẹ, các nhà nghiên cứu tính lượng thời gian trẻ xem tivi lúc 2 tuổi rưỡi và lúc 4 tuổi rưỡi. Khi trẻ đi học, các nhà nghiên cứu sẽ hỏi giáo viên về khả năng học tập của chúng so với các bạn cùng trang lứa cũng như khả năng lắng nghe, làm theo hướng dẫn. Họ cũng hỏi cha mẹ về chế độ ăn và hoạt động thể chất của trẻ.

 

Kết quả cho thấy, với mỗi giờ ngồi trước tivi ở 2 tuổi rưỡi, sẽ tương ứng với giảm 7% khả năng học tập, giảm 6% kết quả học toán và tăng 10% bị bắt nạt bởi bạn cùng trang lứa. Những phát hiện này cho thấy những trẻ xem tivi quá nhiều sẽ “học thụ động”. Tuy nhiên, thật thú vị là xem tivi không ảnh hưởng tới kỹ năng đọc.

 

Xem tivi cũng dẫn tới những tác động tiêu cực về mặt sức khỏe thể chất, với mỗi giờ xem sẽ làm giảm hoạt động thể lực 9%, tăng 9% tiêu thụ nước ngọt có ga và tăng 10% ăn vặt và tăng 5% chỉ số khối cơ thể.

 

Viện Nhi khoa Mỹ khuyến nghị trẻ dưới 2 tuổi không nên xem tivi trong bất kỳ trường hợp nào. Và sau 2 tuổi xem tivi không nhiều hơn 2 tiếng cho 1 chương trình đã được chọn lọc trong 1 ngày. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy gần một nửa trẻ 1-2 tuổi và 40% trẻ 2-3 tuổi xem tivi nhiều hơn thời lượng khuyến nghị.

 

Tivi ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

 

Nghiên cứu của Pagani là lời kêu gọi mới nhất về việc hạn chế cho trẻ nhỏ xem tivi. Một số nghiên cứu trước đó đã cho thấy mối liên hệ giữa việc xem tivi nhiều với các ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em, bao gồm sự kém tập trung, khả năng lĩnh hội ngôn ngữ chậm hơn, hung hăng hơn và tăng cân nhanh hơn.

 

Các chuyên gia đã đưa ra những lời giải thích khác nhau cho các phát hiện trên. Một số cho rằng dành thời gian ngồi trước màn hình là tước đi thời gian dành cho các hoạt động khác như trò chuyện với mọi người, chơi đùa hay xếp hình…

 

Một số khác lại cho rằng việc xem tivi gây hại cho não. Não của một đứa trẻ sẽ tăng kích thước gấp 3 lần trong 3 năm đầu đời. Và việc tiếp xúc sớm với màn hình có thể gây kích thích quá mức đối với sự phát triển của não bộ và dẫn tới ít tập trung và khó tiếp thu.

 

“Tình trạng nói nhanh và nói ngắn gọn trong các chương trình trên truyền hình đặc biệt gây hại cho trẻ”, Christakis, tác giả cuốn “Tivi tác động đến con bạn”, cho biết.

 

Một số khác cho rằng những trẻ mà trình độ giáo dục của mẹ thấp, gia đình chỉ có bố/mẹ… thì trẻ sẽ có xu hướng xem tivi nhiều hơn.

 

Lựa chọn chương trình truyền hình

 

Christakis tin rằng trẻ chỉ nên xem tivi không quá 1 tiếng mỗi ngày dù là ở tuổi nào. Nhưng ông cũng cho rằng các bậc cha mẹ cần phân biệt giữa các bộ phim hoạt hình và các chương trình giáo dục như Sesame Street.

 

“Chương trình chất lượng nhất là giáo dục, dạy trẻ một điều gì đó, từ học chữ đến các kỹ năng chia sẻ hay giải quyết mâu thuẫn…”, Christakis nói.

 

Theo Christakis, cách tốt nhất đối với trẻ là xem tivi cùng cha mẹ. Điều này cho phép cha mẹ can thiệp vào các nội dung tiêu cực (như các pha bạo lực hay quảng cáo) đồng thời cung cấp cho trẻ những thông điệp mà chương trình giáo dục muốn hướng tới.

 

Nhân Hà

Theo CNN