Đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý tình trạng vứt lợn bệnh ra môi trường

(Dân trí) - Trước thực trạng thời gian gần đây ở một số địa phương xuất hiện lợn nghi nhiễm dịch tả lợn châu Phi bị vứt ra môi trường, không tiêu hủy đúng cách, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ đề nghị Bộ Công an cùng vào cuộc để điều tra, xử lý.

Thời gian gần đây, mạng xã hội và nhiều cơ quan báo chí đã liên tục đăng tin về thực trạng tại một số địa phương như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Giang,.. xuất hiện lợn chết nghi nhiễm dịch tả lợn châu Phi bị vứt ra môi trường hoặc tiêu hủy bằng hình thức không đúng cách. 

Tình trạng đã gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ phát tán vi rút dịch tả lợn châu Phi rất nhanh. 

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Bộ NN&PTNT đã nắm được thông tin này và ông Tiến đã trực tiếp đi kiểm việc này tra tại Bắc Giang.

Ông Tiến thừa nhận có hiện tượng trên, nhưng có trường hợp không phải lợn ở địa phương đó mà là lợn từ nơi khác trôi dạt về. Ví dụ, khi ông Tiến kiểm tra tại huyện Hiệp Hòa -Bắc Giang thì thực tế có cả lợn ở huyện Phú Bình - Thái Nguyên trôi về đây.

Đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý tình trạng vứt lợn bệnh ra môi trường - 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

"Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, chưa có vắc xin phòng ngữa nên không thể một sớm một chiều mà dập tắt ngay được. Về vấn đề tiêu hủy lợn bệnh chưa đúng cách như nói ở trên, thời gian tới song song với công tác tuyên truyền, phải xử lý một số trường hợp điển hình để làm gương, quyết liệt hơn chứ không để tình trạng như này. Bộ NN&PTNT cũng sẽ đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra, xử lý các trường hợp người dân vứt lợn bệnh ra môi trường" - ông Tiến cho biết.

Khi phóng viên nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng rằng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý, ông Tiến cho biết: Trong thời gian vừa qua, để nắm bắt được tình hình thực tế, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú ý "dàn quân" đi giám sát, tổng hợp lại những tồn tại khó khăn báo cáo Bộ NN&PTNT.

Đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý tình trạng vứt lợn bệnh ra môi trường - 2

Nhiều địa phương xuất hiện tình trạng người dân vứt xác lợn bị bệnh trôi sông, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.

"Hôm tôi đi kiểm tra thực tế thông tin người dân vứt lợn bệnh ra môi trường ở Bắc Giang, khi tôi về đã ký ngay một văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang để yêu cầu thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là "chống dịch như chống giặc", chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ tướng Chính phủ. Tôi đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên tổ chức rà soát xem lợn bệnh vứt ra môi trường thuộc địa phận xã nào, thôn nào để xử lý đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng" - ông Tiến chia sẻ thêm.

"Bánh chưng sao gói bằng thịt bò được"

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, diễn ra ngày 13/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tính đến ngày 12/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang xảy ra tại 29 tỉnh, thành phố, với 2.296 xã, 204 huyện, số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con, chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố phía Bắc. Điều đáng nói, trong khi dịch diễn biến phức tạp và có nguy cơ tiếp tục phát sinh rất cao trong thời gian tới thì ở một số địa phương vẫn còn tình trạng lơ là chủ quan.

Theo ông Tiến, giai đoạn hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp, thời gian tới nguy cơ lây lan không chỉ ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn sang cả các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn nếu không làm tốt khâu phòng chống dịch, nhất là an toàn sinh học.

Nói về nguy cơ dịch tả lợn châu Phi có khả năng "tấn công" đến các cơ sở chăn nuôi lớn, đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: Hiện các trang trại chăn nuôi của C.P đang được thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học ở mức cao nhất để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Song, C.P cũng sẵn sàng cho tình huống xấu nhất là, dịch sẽ xảy ra ở các trang trại của công ty. Nếu bệnh dịch này xảy ra, C.P đã có kịch bản lường trước để phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy một phần hoặc tiêu hủy trên quy mô lớn theo đúng các quy định của pháp luật.

Sau đó, C.P sẽ tiến hành triển khai việc bơm thuốc sát trùng để vệ sinh chuồng trại nhằm triệt tiêu mầm bệnh trước khi tái đàn. Hiện C.P sẵn sàng hỗ trợ bà con nông dân trong việc triển khai tái đàn, vì tổng đàn nái của C.P đến thời điểm này vẫn đang được bảo vệ an toàn tuyệt đối.

Đại diện C.P cho biết, hiện đơn vị này đang có tổng đàn lợn lên tới khoảng 300.000 con, hàng ngày vẫn đang cung cấp ra thị trường một khối lượng thịt lớn. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, đã xuất hiện tình trạng tồn lợn tại một số trại. Có nhiều con đã đạt trọng lượng 120-130kg, thậm chí 160-170kg, nhưng chưa tiêu thụ được. Đây là áp lực rất lớn của công ty, cũng như các trang trại, nên đang rất cần các giải pháp để tháo gỡ, giúp tiêu thụ thịt lợn an toàn được lưu thông bình thường trên thị trường.

"Công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay có bất cập đó là, thời gian kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm đến khi cho kết quả quá lâu. Nếu trước đây, chỉ sau 3 tiếng đồng hồ sẽ có kết quả, thì hiện nay người dân phải đợi tới 3-4 ngày, thậm chí lâu hơn. Chính trong thời gian chờ đợi đó, mầm bệnh đã có cơ hội để phát tán và lây lan ra môi trường, do phải chờ đợi lâu nên người dân sẽ tìm cách bán bớt lợn đi hoặc lợn chết không được tiêu hủy kịp thời. Do đó, thời gian tới, bên thú y cần công bố kết quả xét nghiệm sớm hơn cho người dân" - đại diện C.P cho biết.

Tại hội nghị trên, ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: Bộ này đã quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, tổ chức 2 hội nghị liên quan phòng chống dịch tả lợn châu Phi, trong đó có hội nghị về cung cầu thịt lợn.

Đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý tình trạng vứt lợn bệnh ra môi trường - 3

Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công thương.

Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 2.000 địa điểm, xử lý 200 địa điểm không đạt an toàn. 100% quân số lực lượng quản lý thị trường đang tham gia các cơ quan liên ngành xử lý dịch tả lợn châu  Phi. 

Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu, Tổng cục Quản lý thị trường để nắm tình hình trong nước, thế giới. Nguyên tắc là đảm bảo thịt lợn sạch kể cả từ vùng đang có dịch cũng đến được tay người tiêu dùng. Cực đoan về dịch bệnh này quá sẽ mất cân đối cung cầu.

"Một số trường học gửi tin đến phụ huynh về việc bếp không có thịt lợn, tôi nghĩ đây là tuyên truyền hơi quá. Cục Thú y cần hướng dẫn cụ thể với người dân về việc này. Trong khi thịt lợn là thứ rất cần, ví dụ như bánh chưng sao gói bằng thịt bò được" - ông An nêu vấn đề.

Ông An cho rằng, qua khảo sát một số địa phương, doanh nghiệp, nhận thấy khâu cấp đông còn hạn chế. Ví dụ như Massan, tích cực hơn thì cần có khâu giết mổ đảm bảo, từ đó cấp đông rồi cung cấp ra thị trường. Bộ Công thương sẵn sàng cùng các bộ ngành có cơ chế hỗ trợ vấn đề này.

Cuối cùng, ông An nhận định: "Tình hình dịch bệnh kéo dài, cách phòng chống có gì khác với bệnh dịch lây sang người, khác gì tai xanh, lở mồm long móng? Vấn đề nữa là tiêu hủy, vì đất đai cho các làng mạc không nhiều. Một số nơi hết đất chôn. Ở đây có Bộ Thông tin - Truyền thông, tôi nghĩ cũng cần xem đến vấn đề tuyên truyền cho người dân hiểu đúng, tiêu thụ thịt lợn an toàn. Khâu tuyên truyền quan trọng không kém khâu phòng chống".

Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Các nhà máy giết mổ đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn có dịch bệnh, thì các doanh nghiệp thu mua lợn đầu vào cần kiểm tra nhanh, nếu âm tính thì vận chuyển bằng xe chuyên dùng vào nhà máy và trước khi giết mổ lại kiểm tra lần nữa nếu âm tính sẽ đưa vào giết mổ rồi mới mang ra thị trường tiêu thụ.

"Có làm như vậy giảm áp lực dịch bệnh, mới đạt hiệu quả cao, người dân được sử dụng thịt lợn an toàn. Có như vậy mới tháo gỡ được cho doanh nghiệp" - Thứ trưởng Tiến nói.

Nguyễn Dương