Dễ mắc AIDS vì làm móng
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS, bác sĩ Trương Thế Dũng (đoàn y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin) khẳng định: "Nếu dụng cụ làm móng có virus gây bệnh và khu vực cắt tỉa có vết trầy xước thì nguy cơ bị lây nhiễm bệnh rất cao".
Dễ lây bệnh từ việc dùng chung bộ chăm sóc móng
Tại Trung tâm Tư vấn NĐ nằm trên đường Tú Xương (quận 3, TPHCM), chị Lê Thị M., tiểu thương kinh doanh tạp hóa ở chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), bày tỏ sự âu lo: “Cách đây hơn tháng, lúc giũa móng chân, do sơ ý mà cô thợ làm móng xỉa đâm mũi dùi khiến mình đổ máu. Dạo gần đây mình hay bị sốt không rõ nguyên nhân. Qua xem tivi nghe đài nói đó là một trong những triệu chứng ban đầu của HIV nên mình lo quá!”.
Giũa móng trên từng cây số
Chị M. cho biết không chỉ riêng chợ Hoàng Hoa Thám mà tại nhiều chợ trong thành phố, chuyện chị em tiểu thương tranh thủ những lúc vắng khách làm đẹp bằng cách chìa chân, xòe tay cho đội ngũ thợ neo dã chiến bấm, giũa, tô móng… là rất thường tình.
“Suốt ngày bám chợ từ sáng đến tối, về tới nhà thì ngập đầu với núi công việc hết lo cho chồng lại phải chăm con nên dân bán buôn như mình đâu có thời gian rảnh mà ghé tiệm, đến cơ sở thẩm mỹ làm đẹp. Bởi vậy phải tranh thủ khoảng thời gian chợ vắng vào giữa trưa gọi người đến tỉa tót”.
Đúng như tâm tình của chị M., đảo qua một số chợ như chợ Bến Thành, chợ Phạm Văn Hai, chợ Kim Biên… vào giữa trưa, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh chị em tiểu thương thư giãn, làm đẹp bằng việc giũa móng.
Tại chợ Võ Thành Trang (quận Tân Bình), cô nàng thợ neo tên Lê khá đỏm dáng, tóc nhuộm vàng rực hồ hởi khoe: “Trước đây em đóng đô tại một tiệm trang điểm trên đường Trường Chinh. Do phí thuê mặt bằng cao lại phải cạnh tranh khốc liệt nên sau gần nửa năm lao vào thương trường em lỗ te tua. Đang lúc buồn chán thì một nhỏ bạn bán trái cây ở chợ Hồ Thị Kỷ gọi điện than do dính vào cái vụ buôn bán nên nó không có thời gian rỗi để tút cái hồng nhan rồi gợi ý em đến giúp. Thấy em làm cẩn thận, mấy chị ngồi cạnh nó gọi qua. Riết rồi em hành nghề neo lưu động lúc nào hổng biết”.
Với một cái xô đựng dùi, đục, kìm bấm, nước sơn… và một thau nhựa nhỏ để “khách” ngâm chân tay cho “móng mềm dễ cắt”, Lê và nhiều bạn đồng nghiệp cho biết bất kỳ ai có nhu cầu “chỉ cần gọi điện”. Nếu không bận khách thì chỉ sau 10-15 phút là các cô sẽ có mặt đáp ứng mọi nhu cầu lột xác của thượng đế, từ làm móng đến nặn mụn, lột da mặt, nhuộm tóc, tẩy nốt ruồi…
Hà My, đồng nghiệp với Lê lúc đang tỉa móng cho một phụ nữ tại Công viên 23-9, tâm sự: “Thời buổi này làm đẹp đâu có gì khó. Người dư thời gian, lắm tiền thì vào các beauty cho tụi nó “chặt chém”. Ít tiền hơn thì cứ bấm số neo dã chiến mà gọi. Tại chợ, chốn công viên, ở nhà riêng, nơi phòng trọ… nói chung hễ khách có nhu cầu là em đáp ứng ngay. Thời buổi khách hàng là thượng đế mà!”.
Hiểm nguy khôn lường
Trở lại nỗi lo của chị M. khi phát hiện sức khỏe có những triệu chứng, biểu hiện bất thường sau lần bị “đổ máu” trong lúc tỉa móng. Qua “công đoạn” làm công tác tư tưởng, trấn an, bác sĩ tư vấn cho chị làm xét nghiệm. Trong thời gian chờ đợi kết quả, chị M. run rẩy, âu lo: “Nếu dính bệnh chắc chết quá! Chỉ thương cho ông xã với hai đứa nhỏ. Tự dưng mẹ làm đẹp mà gây họa cho cả nhà”.
Đến khi được bác sĩ báo tin vui “chưa thấy có sự hiện diện của virus HIV trong mẫu máu xét nghiệm, gương mặt u uất của chị M. rạng rỡ, tươi tắn như vừa trở về từ cõi chết.
Thoáng âu lo lại lướt qua khi chị được bác sĩ tư vấn, lưu ý: “Sau khi xâm nhập vào cơ thể người theo đường máu, virus HIV không lộ nguyên hình ngay mà ẩn từ 3-6 tháng. Sau 2 tháng chị nên làm xét nghiệm lần 2 để tầm soát nguy cơ nhiễm bệnh”.
Không phải ai cũng có ý thức lo sợ căn bệnh nan y như chị M. Nhiều chị em tiểu thương mà chúng tôi tiếp xúc trong quá trình thực hiện bài viết này chẳng mấy bận tâm với nỗi lo dính virus “tử thần” bởi niềm tin “trước khi làm móng cho mình người ta rửa nước sạch, có khi còn rửa bằng cồn tiệt trùng nên “có chảy máu thì cũng hổng sao”. Sự vô tư chết người kia chính là nguồn cơn của nhiều nỗi tiếc nuối “giá như…”, “giá mà…”.
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS, bác sĩ Trương Thế Dũng (đoàn y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin) khẳng định: “Không phải cứ rửa nước, rửa cồn là dụng cụ hoàn toàn được tẩy trùng. Dụng cụ phải được luộc trong nước sôi rồi hấp ở nhiệt độ trên 180 độ C theo nguyên tắc cụ thể và thời gian nhất định”.
Tốt nhất mỗi người nên sắm riêng một bộ dụng cụ” - bác sĩ Dũng nhắc nhở
Theo Thành Dũng
CAND oline