Để bụng vui ăn Tết!
(Dân trí) - Dưới đây là lời khuyên của bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Nội Tiêu hóa, BV Nguyễn Tri Phương về chế độ dinh dưỡng, ăn uống, sinh hoạt để giúp bạn có một cái Tết trọn vẹn.
Ngày Tết, thức ăn luôn nhiều và ngon hơn những ngày thường (Tết mà), lại thêm nhiều bữa tiệc mừng xuân, nên chúng ta luôn có khuynh hướng ăn nhiều hơn bình thường và ăn no hơn.
Ăn quá no, quá nhiều thức ăn làm vượt quá khả năng xử lý của hệ tiêu hóa (còn được gọi là bội thực) làm chúng ta bị no hơi, đầy bụng rất khó chịu. Đặc biệt, khi ăn nhiều chất đạm và chất béo (thịt mỡ) thì tình trạng no hơi, chướng bụng càng dễ xảy ra hơn. Sự quá tải về tiêu hóa thường dẫn đến phản ứng của cơ thể làm bịnh nhân phải nôn ói trở ra, thậm chí có người phải tự kích thích (móc họng) cho nôn ói ra mới dễ chịu hơn. Như vậy đâm ra làm cho mất vui trong những ngày xuân về.
Không ăn quá nhiều chất béo, chú trọng chất xơ
Ngày Tết thức ăn thường thịnh soạn hơn rất nhiều và có nhiều chất béo.
Ăn nhiều chất béo làm cho chúng ta dễ bị no hơi, chướng bụng như mô tả ở trên. Người có tiền sử bị viêm đại tràng mãn khi ăn nhiều thức ăn béo dễ làm khởi phát bệnh trở lại làm đau quặn bụng, kích thích đi cầu nhiều lần, thậm chí tiêu chảy. Còn những người mập phì, người có tiền sử bị sỏi mật, sau khi ăn các bữa ăn thịnh soạn có nhiều chất béo sẽ rất dễ bị chứng viêm tụy cấp (sưng lá mía) làm đau bụng trên rốn rất dữ dội, đau lan khắp bụng, lan sau lưng, cần phải nhập viện cấp cứu. Ngoài ra, việc ăn quá nhiều chất béo sẽ làm dư năng lượng dễ gây thừa cân béo phì và làm tăng mỡ trong máu hoàn toàn không có lợi cho quả tim và hệ thống mạch máu của chúng ta.
Xin nhắc lại câu ca dao rất hay và rất khoa học mà chúng ta nên áp dụng trong cách ăn uống ngày tết “Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ”. Thịt mỡ chứa nhiều chất đạm và chất béo làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa của chúng ta, thì dưa hành vừa có chất xơ tránh táo bón, ngừa ung thư ruột già, lại là sản phẩm lên men của vi khuẩn Lactobacillus rất có lợi cho ống tiêu hóa của chúng ta, giúp tiêu hóa dễ dàng, không chỉ ngăn ngừa tiêu chảy mà lại tránh táo bón.
Không uống rượu khi chưa ăn
Lời khuyên : “Không nên uống nhiều rượu bia, nhất là uống mà không ăn vì dạ dày trống sẽ hấp thu rất tốt rượu bia vào máu”.
Hậu quả: Phải nói là rất nhiều. Đầu tiên là rượu/bia gây viêm dạ dày cấp làm đau bụng, nôn ói rất khó chịu, nếu nặng có thể làm xuất huyết tiêu hóa nhất là ở những người có tiền sử bị viêm loét bao tử. Một hậu quả nữa là viêm tụy cấp do rượu (sưng lá mía). Uống bia rượu nhiều bất thường trong các ngày Tết còn gây ra viêm gan cấp do rượu làm vàng da, về lâu dài sẽ làm gan thoái hóa mỡ, viêm gan mãn và xơ gan. Ngoài ra, việc uống rượu bia nhiều có thể làm huyết áp cao bất thường, nhịp tim nhanh bất thường có thể gây các biến chứng như loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, thậm chí tai biến mạch máu não.
Tuy nhiên, trước các bữa ăn thịnh soạn, chúng ta nên uống một ít (dưới 200ml) rượu vang đỏ, vừa kích thích tiết dịch tiêu hóa nhiều hơn, giúp ăn ngon miệng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Hơn nữa rượu vang đỏ còn có tác dụng làm tăng HDL-C (là 1 loại mỡ tốt) làm giảm xơ vữa mạch máu rất có lợi cho tim.
Lưu ý ngộ độc thực phẩm
Các ngày lễ Tết, theo kinh nghiệm thực tế làm việc nhiều năm, khoa tiêu hóa của chúng tôi luôn phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc thực phẩm .
Thường bệnh nhân nhập viện trong bệnh cảnh viêm dạ dày cấp do ngộ độc thức ăn với biểu hiện đau bụng trên rốn, buồn nôn, nôn ói hoặc bệnh cảnh viêm ruột cấp do ngộ độc thức ăn với biểu hiện đau bụng vùng rốn và dưới rốn kèm với đi cầu phân lỏng hoặc phân đàm nhày. Ngoài ra bệnh nhân có thể bị tê chi, vọp bẻ do bị mất nước và mất muối qua đường tiêu hóa.
Do đó ngày tết chúng ta không nên mua và chế biến thức ăn quá nhiều rồi dư thừa phải bảo quản kéo dài vừa không ngon khi phải dùng lại, vừa tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm vì khi thức ăn đã chế biến phải bảo quản kéo dài, rồi sử dụng lại nhiều lần sẽ dễ bị hư và dễ bị nhiễm khuẩn. Thức ăn đã để ra ngoài sau 6 giờ nên được đun sôi lại rồi mới sử dụng vì chỉ cần 6- 8 giờ trong môi trường nóng ẩm như ở Việt nam ta là trong thức ăn đã có đầy đủ số lượng vi khuẩn với độc tố có thể gây hại cho cơ thể chúng ta.
Lưu ý khi dùng đồ hộp
Ngày càng được dân thành thị ưa chuộng trong ăn uống vì đơn giản, tiện dụng.
Tuy nhiên ngoài việc phải dùng đúng hạn trên bao bì và cũng phải bảo quản lạnh (đồ nguội) cẩn thận vì chúng vẫn có thể gây ngộ độc thực phẩm như vừa kể trên, có 2 điều lưu ý với loại thức ăn này là:
Không nên ăn quá nhiều đồ nguội (Jambon, xúc xích,...) vì trong thành phần luôn có Nitrate là một yếu tố có thể làm cho chúng ta dễ mắc bệnh ung thư thực quản hơn .
Với thức ăn đóng hộp, chúng ta có thể bị “ngộ độc thịt hộp” do độc tố của 1 loại vi khuẩn phát triển trong môi trường đóng kin, thiếu oxy gọi là Botulinum. Độc tố này gây liệt thần kinh làm liệt tay chân, liệt mặt, thậm chí liệt các cơ hô hấp làm chúng ta không thở được nếu ngộ độc nặng. Vì vậy, sau khi khui hộp ra thì nên nấu lại cho sôi vì độc tố Botulinum rất dễ bị hủy bởi nhiệt độ cao.
Sinh hoạt điều độ, đúng giờ
Khi chúng ta ăn uống sinh hoạt không điều độ như bình thường ngoài việc làm thay đổi nhịp sinh học hoàn toàn không có lợi cho hệ thần kinh như dễ bị rối loạn giấc ngủ, dễ cáu gắt, mệt mỏi, dễ bị cao huyết áp, đối với bệnh lý tiêu hóa sẽ dễ tái phát bệnh viêm loét dạ dày (đau bao tử), thậm chí người chưa từng bị cũng có thể bị viêm loét dạ dày sau mùa Tết do nhiều yếu tố từ việc dùng nhiều thức ăn chua cay, rượu bia và không thể thiếu vai trò của việc ăn uống và sinh hoạt không điều độ.
Th.S BS Trần Ngọc Lưu Phương
Phó khoa Nội Tiêu hóa - BV Nguyễn Tri Phương