1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyện 18

Day bấm huyệt giảm triệu chứng đau đầu, ngạt mũi do cúm

Hồng Hải

(Dân trí) - Một số triệu chứng bệnh cúm gây khó chịu như đau đầu, ngạt mũi gây khó thở có thể được cải thiện nhờ day ấn huyệt. Ngoài ra, trà xanh, cam thảo, kim ngân hoa... có công dụng tốt trong điều trị cúm.

Giảm triệu chứng cúm nhờ Đông y

Cúm là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các chủng virus cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Trong khi Tây y chủ yếu điều trị triệu chứng và sử dụng thuốc kháng virus như Oseltamivir, Đông y tiếp cận theo hướng toàn diện: vừa ức chế virus, vừa tăng sức đề kháng và thanh nhiệt, giải độc cơ thể.

Trải qua hàng ngàn năm, Đông y đã xây dựng được nhiều bài thuốc điều trị cúm hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng kháng thuốc và nâng cao hiệu quả điều trị.

Thực tế cho thấy, khi điều trị cúm bằng Đông y, cả trẻ nhỏ và người lớn đều có thể cắt sốt vào ngày thứ hai và khỏi bệnh hoàn toàn vào ngày thứ ba, sinh hoạt trở lại bình thường.

Một nghiên cứu tại 11 bệnh viện ở Trung Quốc, được đăng tải trên Thư viện Y khoa Hoa Kỳ (PubMed), so sánh hiệu quả giữa việc sử dụng riêng lẻ thuốc Đông y (bài thuốc Ngân Kiều Tán, Ma Hạnh Thạch Cam Thang), thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) và sự kết hợp cả hai, cho thấy:

- Nhóm chỉ dùng Oseltamivir: giảm thời gian sốt 34%

- Nhóm chỉ dùng Đông y: giảm 37%

- Nhóm kết hợp Đông y và Oseltamivir: giảm 47%

Về vị thuốc kim ngân hoa, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Phytomedicine năm 2021 cho thấy, hoạt chất chlorogenic acid trong loại thảo dược này có khả năng ức chế mạnh enzyme neuraminidase của virus cúm A/H1N1.

Enzyme này là "chìa khóa" giúp virus xâm nhập tế bào vật chủ. Khi bị "khóa chặt" bởi chlorogenic acid, virus sẽ không thể nhân lên hay lây lan.

Day bấm huyệt giảm triệu chứng đau đầu, ngạt mũi do cúm - 1

Trà xanh là thức uống quen thuộc của nhiều người Việt (Ảnh minh họa: Tú Anh)

Ngoài ra, một phân tích tổng hợp từ Đại học Harvard năm 2022 chỉ ra: các hoạt chất thảo dược như epigallocatechin gallate (EGCG) trong trà xanh và glycyrrhizin trong cam thảo có thể phá vỡ màng lipid của virus, khiến chúng suy yếu trước khi kịp xâm nhập tế bào.

Day bấm huyệt - Phòng và giảm triệu chứng cúm

Đau đầu:

Day các huyệt: Thái Dương, bách hội, ấn đường, phong trì, hợp cốc.

Vuốt trán: Dùng hai ngón tay cái vuốt từ giữa trán ra hai bên đến huyệt thái dương (15-20 lần). Có thể kết hợp bôi dầu để tăng hiệu quả.

Nghẹt mũi:

Day huyệt nghinh hương.

Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy, khi day huyệt nghinh hương, nên lấn nhẹ tay vào cánh mũi để làm tan dịch mũi đặc, giúp mũi thông thoáng nhanh hơn.

Day bấm huyệt giảm triệu chứng đau đầu, ngạt mũi do cúm - 2

Huyệt nghinh hương (Ảnh: Getty).

Trường hợp nhiễm phong hàn gây tịt mũi, day huyệt nghinh hương không hiệu quả, có thể chuyển sang day huyệt phong môn. Khi day đúng huyệt, người bệnh sẽ cảm thấy mũi thông hẳn và dễ thở ngay. Trong thực tế, chỉ một bên huyệt thường cho cảm giác dễ chịu - hãy tập trung vào bên đó.

Tăng sức đề kháng: Day huyệt túc tam lý

Vị trí: Cách xương bánh chè khoảng 3 thốn (khoảng 4 ngón tay), nằm ngoài rìa xương ống chân.

Công dụng:

Kích thích sản sinh bạch cầu, tăng cường miễn dịch (theo nghiên cứu Đại học Y khoa Thượng Hải).

Bổ tỳ vị, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất - nền tảng cho khí huyết dồi dào.

Cách thực hiện: Day ấn mỗi sáng 3-5 phút, hoặc dùng ngải cứu hơ nóng để tăng hiệu quả.

Ghi chép cổ truyền từ "Hoàng Đế Nội Kinh" cho rằng, day huyệt túc tam lý đều đặn trong 100 ngày giúp "trường thọ, da dẻ hồng hào". Nhiều người áp dụng thấy giảm hẳn tình trạng ốm vặt, sức khỏe cải thiện rõ rệt.

Lương y Hoàng Lâm Quyền

Hội Đông y Hà Nội