Bệnh viện Mắt Trung ương:
Đau mắt đỏ đến sớm bất thường, gần 200 bệnh nhân khám mỗi ngày
(Dân trí) - Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày có từ 150 đến gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, chủ yếu là trẻ em và người có sức đề kháng yếu.
Theo các bác sĩ, dịch đau mắt đỏ năm nay đến sớm hơn mọi năm, lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ tăng mạnh sau dịp Tết nguyên đán, do thời tiết nóng ẩm bất thường trong mùa đông năm nay.
Bác sỹ Hoàng Minh Anh, Trưởng khoa Tổng hợp, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết, vi rút đau mắt đỏ phát triển, phát tán mạnh trong không khí nên rất dễ nhiễm bệnh.
Từ một người bị nhiễm bệnh nguy cơ lây cho cả gia đình là rất lớn bởi vi rút gây lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt và bắt tay.
“Một cái dụi mắt của người bệnh rồi cầm, nắm các vật dụng sinh hoạt chung như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, ga đệm… có thể mang vi rút ra ngoài. Người chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với vi rút từ các vật dụng sinh hoạt này, đưa tay lên mũi, mắt là có thể bị nhiễm bệnh”, BS Minh Anh cho biết.
Vì bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ gây thành dịch nên người mắc bệnh nếu là người lớn phải có ý thức phòng bệnh không để lây lan cho người khác. Với trẻ em, người lớn chăm cho trẻ phải hết sức lưu ý để không lây bệnh. Đặc biệt cần rửa tay xà phòng ngay khi rửa mắt, nhỏ thuốc cho người bệnh. Nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế tiếp xúc với người khác và nên nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Tuyệt đối không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn, chậu rửa mặt, cốc uống nước, nên thay giặt ga trải giường....
3 bước đẩy lùi đau mắt đỏ hiệu quả
Theo BS Minh, đau mắt đỏ là bệnh lành tính, tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Nhưng vì tính chất bệnh, mắt đỏ, nhiều dử mắt khiến người bệnh rất khó chịu, muốn làm mọi cách để mắt khỏi (từ xông lá trầu không, nhỏ đủ các loại thuốc, thậm chí có cả thuốc mắt chứa corticoid).
Đây là một sai lầm nguy hiểm bởi xông lá trầu kích thích làm mắt đỏ, sưng thêm. Còn thuốc corticoid là loại thuốc chống viêm, không thể tùy tiện dùng vì có thể gây biến chứng giảm, mất thị lực.
Theo đó, để nhanh khỏi cần chú ý:
Kiên trì rửa mắt bằng nước muối 5 - 6 lần mỗi ngày, nhỏ thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để bệnh nhanh khỏi.
Cho mắt nghỉ ngơi (nhắm mắt, nhìn xa), không xem các phương tiện điện tử.
Không nôn nóng sử dụng các biện pháp dân gian, kể cả thuốc nhỏ mắt kháng sinh vì thuốc không có tác dụng điều trị, chỉ có tác dụng ngăn ngừa bội nhiễm.
Hồng Hải