Đau khổ như mọc răng khôn

Vào một ngày đẹp trời, chiếc răng khôn tự dưng chồi lên. Nhẹ thì gây nứt lợi, vết thương sưng tấy, mưng mủ, đau nhức cả hàm. Nặng hơn khi răng khôn mọc lệch, mọc ngầm sẽ dẫn đến đau tuỷ răng, viêm hạch góc hàm, gây rối loạn tiêu hoá và nhiều biến chứng khác.

 

Đau khổ như mọc răng khôn  - 1


Nghĩ đến nhổ răng là phát hoảng

 

35 tuổi mới mọc răng khôn lần đầu, anh Vũ Đức Trọng, nhà ở đường Vũ Ngọc Phan, Hà Nội đã phải khổ sở cả tháng nay. Anh kể: “Lúc đầu, tôi cảm thấy có chút ngứa ngứa ở phần lợi hàm dưới phía trong cùng. 2 ngày sau chỗ đó sưng lên, rồi phần thịt nứt toác ra. Cảm giác đau bứt rứt khó chịu khiến tôi lâu lâu lại soi gương một lần, lấy tăm nhọn chích chích vào đó.

 

Đi hỏi một số người, họ bảo mọc răng khôn một thời gian sẽ hết đau. Nhưng 4 ngày sau vết thương sưng to, mưng mủ. Tôi ăn, ngủ không được, cũng không nói được vì cứ mở miệng ra là đau buốt đến đỉnh đầu. Vào khám tại Viện Răng Hàm Mặt, các bác sĩ cho biết, dù răng của tôi mọc thẳng nhưng vì không biết cách vệ sinh, lại lấy que tăm chọc vào chỗ đó nên mới gây viêm nhiễm vùng lợi nặng”.

 

Một trường hợp khác, anh Đoàn Văn Tiến, công tác tại Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, bị mọc một lúc 2 cái răng khôn. Khổ nỗi là cả 2 chiếc sau khi chụp X-quang đều mọc lệch, bác sĩ tư vấn là nên nhổ bỏ. Anh Tiến kể: “Vào bệnh viện, bác sĩ bảo răng của tôi không thể nhổ một lúc 2 cái, phải chia làm 2 đợt. Gần 2 tiếng mới lấy xong một cái, cảm giác sau phẫu thuật đau khủng khiếp. Cả tuần sau, gần như không ăn uống được gì, tôi sụt mất 3kg. Khi vết thương cũ lành hẳn, cứ nghĩ đến chuyện phải nhổ tiếp cái nữa khiến tôi phát hoảng”.

 

Theo BS Đoàn Diệu Hương, Viện Răng Hàm Mặt, bộ răng của người trưởng thành thường có đến 32 chiếc, 4 chiếc lớn ở góc trong cùng của hàm gọi là răng khôn. Khác với răng thông thường, răng khôn chỉ mọc khi đến tuổi trưởng thành, có trường hợp đến 40 tuổi mới mọc. Mọc răng khôn thường bị nứt lợi, viêm nhiễm, nhưng nguy hiểm nhất là răng khôn mọc lệnh, mọc ngầm.

 

Theo BS Hương, răng khôn mọc lệch chủ yếu là 2 răng ở hàm dưới (hay còn gọi là răng số 8). Do mọc sau cùng, nên chúng thường bị thiếu chỗ để mọc thẳng dẫn đến mọc lệch, mọc ngầm gây đau đớn, khó chịu, dẫn đến nhiều tai biến cho vùng răng hàm mặt.

 

Cần sớm đi khám khi mọc răng khôn

 

Răng mọc lệch, mọc ngầm chiếm đến 20% tỉ lệ tai biến các bệnh về răng hàm mặt. BS Hương cho biết, nếu chỗ viêm lan rộng sẽ khiến một bên mặt sưng to, không há miệng được, không ăn uống được. Bệnh nhân còn có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau nhức cả vùng mặt.

 

Mọc lệch còn khiến răng cối thứ 2 ở ngay phía trước nó (răng số 7) bị sâu do thức ăn bị dắt ở các khu vực này bị phân huỷ, vi khuẩn có điều kiện sinh sôi. Nó cũng là tiền đề cho bệnh nha chu phát triển, làm cho mô nâng đỡ răng bị tổn thương. Ngoài ra, răng khôn mọc ngầm hay mọc lệch có thể đẩy các răng khác ra phía trước, làm cho các răng này bị xô lệch, mọc chen chúc nhau, gây đau tai, viêm xoang, co thắt ở khớp thái dương hàm, ảnh hưởng đến cột sống và sự cân bằng của bộ xương.

 

Theo BS Phạm Như Hải, khoa Răng Hàm Mặt, BV Việt Nam-Cuba, thiếu kiến thức về chăm sóc răng miệng là nguyên nhân khiến cho việc mọc răng khôn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

 

Nhiều người vẫn tâm lý chủ quan là răng khôn mọc sau một thời gian, khi nhú khỏi lợi thì sẽ khỏi bệnh. Họ chịu đau một thời gian, đến khi không chịu được nữa thì mới đến bệnh viện để điều trị.

 

Theo BS Diệu Hương, cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen chăm sóc răng khoa học ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Khi trẻ được 12- 15 tuổi, BV Việt Nam -  Cuba thời điểm răng khôn nhô ra khỏi lợi, nên đến các cơ sở y tế chụp X - quang để phát hiện mầm răng.

 

Nếu răng khôn có xu hướng mọc lệch, mọc ngầm thì bác sĩ sẽ gắp bỏ mầm răng. Lúc này, do răng chưa có chân nên việc lấy bỏ là khá dễ dàng. Sau khi gây tê, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ, lấy ra mầm của 2 răng khôn đối nhau (nhằm tránh những vấn đề về khớp cắn khi chiếc răng kia mọc).

Việc quyết định nhổ răng khôn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bác sĩ sẽ khám kỹ lưỡng để có cái nhìn tổng thể về sự phát triển và những thay đổi của hàm răng, từ đó đưa ra các quyết định với từng trường hợp cụ thể. Theo các chuyên gia y tế, nên nhổ răng số 8 hàm dưới mọc lệch gần sớm trước 30 tuổi để đề phòng biến chứng gây tổn thương răng số 7, nhất là khi phát hiện răng số 8 hàm dưới mọc lệch gần có trục lệch từ 45 đến dưới 90 độ hoặc lệch gần mà tiếp xúc với răng số 7 ở vị trí dưới cổ răng.

 

Theo Thùy Như

Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm