Dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn 3

Hà An

(Dân trí) - Ung thư phổi giai đoạn 3 có thể có các triệu chứng như thở gấp, đau ngực, giọng nói khàn hơn, giảm cân không giải thích được…

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính ở phổi. Khoảng 85%-90% các trường hợp có liên quan đến tình trạng hút thuốc lá (chủ động hay thụ động). Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi.

Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai chỉ sau ung thư gan. Theo Bệnh viện phổi Trung ương, ung thư phổi loại không tế bào nhỏ chiếm hơn 80% trường hợp, bao gồm ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô vảy và một số ít là ung thư tế bào lớn. Diễn tiến âm thầm và tiên lượng xấu là những đặc điểm quan trọng của loại bệnh này. Người bệnh có thể đến khám vì ho kéo dài, ho ra máu, khó thở, đau ngực, đau xương...

Dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn 3 - 1

Ung thư phổi giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng rõ ràng. Có thể có các triệu chứng đáng chú ý, chẳng hạn như một cơn ho mới, dai dẳng, kéo dài hoặc sự thay đổi trong cách ho của người hút thuốc (sâu hơn, thường xuyên hơn, tiết ra nhiều chất nhầy hoặc máu hơn). Những triệu chứng này có thể cho thấy ung thư đã chuyển sang giai đoạn 3.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

- Khó thở hoặc thở gấp

- Đau ở vùng ngực

- Tiếng khò khè khi thở

- Thay đổi giọng nói (khàn hơn)

- Giảm cân không giải thích được

- Đau xương (có thể ở lưng và có thể cảm thấy tồi tệ hơn vào ban đêm)

- Đau đầu

Điều trị ung thư phổi giai đoạn 3

Theo Healthline, điều trị ung thư phổi giai đoạn 3 thường bắt đầu bằng phẫu thuật loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt, sau đó là hóa trị và xạ trị. Phẫu thuật đơn thuần thường không được chỉ định cho giai đoạn 3B.

Bác sĩ có thể đề nghị xạ trị hoặc hóa trị liệu như một liệu trình điều trị đầu tiên nếu không thể phẫu thuật để loại bỏ khối u. Điều trị bằng xạ trị và hóa trị, đồng thời hoặc tuần tự, có liên quan đến việc cải thiện tỷ lệ sống sót ở giai đoạn 3B so với điều trị chỉ bằng bức xạ.

Ung thư phổi cũng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Vì thế, dự phòng bệnh được coi là chiến lược quan trọng nhất. Theo đó, người dân không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.

Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.