Dấu hiệu nhận biết ung thư amidan
(Dân trí) - Các triệu chứng ung thư amidan thường không đặc hiệu, tuy nhiên, dấu hiệu thường gặp trong chuyên khoa tai mũi họng có thể là dấu hiệu gợi ý.
Thủ phạm gây ung thư amidan
Cổ họng có ba loại amidan: amidan họng (adenoids) nằm ở mặt sau của cổ họng, amidan palatine nằm ở hai bên cổ họng, và các amidan ngôn ngữ (lingual amidan) nằm ở phần cuống lưỡi.
Ung thư amidan là bệnh ung thư phát sinh từ các tế bào thuộc amidan. Theo các nhà nghiên cứu, ung thư amidan là bệnh thường gặp, chiếm tỷ lệ 13-15% trong ung thư vùng đầu cổ. Nam mắc bệnh nhiều gấp 4 lần nữ, thường gặp ở tuổi 50-60. Theo ghi nhận, trên 90% ung thư amidan được phát hiện khi giai đoạn muộn.
Có rất nhiều lý do khiến ung thư vùng này được phát hiện muộn. Trong đó có các yếu tố nhận biết mơ hồ và nguyên nhân đa dạng.
Theo các chuyên gia yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư amidan là hút thuốc lá, nguy cơ tùy thuộc số điếu hút, số năm hút và tuổi bắt đầu hút. Nghiện rượu có nguy cơ gấp 6 lần. Vừa hút thuốc vừa uống rượu có nguy cơ gấp 15 lần.
Ngoài ra, còn phải kể đến thói quen quan hệ tình dục bằng miệng. Do HPV type 16, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), số ca mắc ung thư amidan gia tăng, có thể là do sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng virus HPV (virus lây truyền qua đường tình dục). .
Vệ sinh răng miệng kém, viêm nhiễm mạn tính cũng làm tăng nguy cơ ung thư amidan. Chế độ ăn uống thiếu vitamin A, ít rau xanh, củ quả, trái cây hoặc là chế độ ăn nhiều thịt đặc biệt là các loại thịt muối hoặc hun khói cũng là yếu tố nguy cơ ung thư amidan. Yếu tố môi trường như hít khói bụi, làm việc căng thẳng bị stress… cũng là yếu tố gây ung thư amidan.
Tuy nhiên hiện nay nguyên nhân gây ung thư amidan vẫn chưa được biết một cách chính xác nhưng người ta có thể xác định được các yếu tố làm cho amidan bị tổn thương và dẫn tới ung thư.
Dấu hiệu nhận biết thế nào?
Các triệu chứng ung thư amidan thường không đặc hiệu, tuy nhiên, dấu hiệu thường gặp trong chuyên khoa tai mũi họng có thể là dấu hiệu gợi ý:
- Nuốt vướng: Dấu hiệu sớm nhất, cảm giác như có dị vật nhỏ hoặc mắc xương cá ở một bên họng miệng, kéo dài trên một tháng.
- Nuốt đau: Dấu hiệu thường gặp nhất, báo hiệu ung thư bắt đầu xâm lấn. Bệnh nhân hay chủ quan, không đi khám sớm vì nuốt đau cũng thường gặp khi viêm họng.
- Đau tai: Xuất hiện muộn hơn, cảm giác nuốt đau buốt lên tai cùng bên.
- Khạc ra máu, há miệng hạn chế là dấu hiệu báo động giai đoạn muộn, bướu đã lan rộng và xâm lấn đến cơ hàm mặt.
- Hạch cổ: Không ít bệnh nhân đến khám vì chỉ có hạch cổ đơn độc, nhưng kiểm tra kỹ lại phát hiện ung thư nguyên phát ở amidan. 70-80% ung thư amidan lúc chẩn đoán đã có di căn hạch.
Giống với các bệnh ung thư khác, nếu phát hiện muộn, việc điều trị ung thư amidan sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, nếu bệnh nhân nào phát hiện thấy vùng cổ (sau xương hàm) xuất hiện hạch, hạch càng lúc càng to, cứng, cảm giác vướng khi nuốt, khó nhai phía bên hạch cổ, cảm giác hơi khó thở, hoặc phát hiện thấy bị viêm đau amidan kéo dài, thì phải nhanh chóng đi khám để sớm phát hiện và có phương pháp điều trị bệnh kịp thời.
Ung thư amidan là căn bệnh khó phát hiện nhưng không phải là không kiểm soát được những dấu hiệu phát bệnh của căn bệnh này.