Người đàn ông lần lượt mắc hai loại ung thư amidan và ung thư thực quản

(Dân trí) - Sau điều trị ung thư amidan năm 2019, mới đây, anh Phạm Văn H. (50 tuổi, Hải Phòng) lại phát hiện ung thư thực quản, phải nhập viện điều trị.

Ths.BS Đoàn Trọng Tú, Trưởng khoa Ngoại bụng 2 cho biết, bệnh nhân Phạm Văn H. đã được điều trị ung thư amidan tại Bệnh viện K năm 2019. Mới đây, trong lần đi khám sức khỏe, tầm soát ung thư, các bác sĩ lại phát hiện bệnh nhân mắc ung thư thực quản.

Người đàn ông lần lượt mắc hai loại ung thư amidan và ung thư thực quản - 1

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt. Bệnh viện cũng từng ghi nhận một số trường hợp người bệnh mắc 2 loại bệnh ung thư khác nhau. Rất may mắn là bệnh nhân H.phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nên đánh giá hiệu quả điều trị sẽ khả quan.

Theo đó, sau khi hội chẩn, cuối tháng 5/2020,bệnh nhân H. được phẫu thuật cắt thực quản tạo hình bằng dạ dày với phương pháp nội soi.

BS Tú cho biết, phẫu thuật nội soi tạo hình thực quản là một kỹ thuật khó thực hiện, hiện nay ở nước ta có một số bệnh viện thực hiện thành công.

Đặc biệt ở bệnh nhân này càng khó khăn hơn do trước đó, năm 2019 bệnh nhân H.đã được mổ vét hạch cổ nên phương pháp mổ thực quản cho bệnh nhân này sẽ khó khăn hơn so với mổ ung thư thực quản thông thường khác.

"Kỹ thuật này đòi hỏi phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm, phẫu tích tỉ mỉ, lấy tối đa, triệt căn tế bào ung thư, và tạo hình thực quản bằng dạ dày để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh", BS Tú cho biết.

Theo thống kê tại BV K, ca phẫu thuật này được thực hiện thành công đã là ca mổ thực quản thứ 118 mà khoa ngoại bụng 2 Bệnh viện K thực hiện trong gần 3 năm qua. Phương pháp này có ưu điểm ít biến chứng; người bệnh phục hồi khá nhanh sau mổ và quan trọng là vừa đảm bảo điều trị ung thư vừa nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Ung thư thực quản là căn bệnh khá phổ biến ở cả hai giới, bệnh thường phát triển thầm lặng, ở giai đoạn đầu không có nhiều dấu hiệu rõ ràng dễ gây lầm tưởng với những bệnh lý thông thường khác. Chỉ đến khi bệnh tiến triển ở giai đoạn muộn hơn các triệu chứng mới rõ ràng nhận thấy như nghẹn, khó nuốt, đau rát cổ họng…

Các dấu hiệu cảnh báo ung thư thực quản:

- Nuốt nghẹn: là triệu chứng dễ cảm nhận và gặp ở đa số bệnh nhân ung thư thực quản.

Lúc đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện khó nuốt nhưng không cảm thấy đau. Khi bệnh nặng hơn, khó nuốt sẽ kèm thêm đau. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ khó nuốt với thức ăn rắn, về sau khó nuốt với cả thức ăn lỏng, thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy đau và khó thực hiện.

- Thường xuyên có hiện tượng chảy nước bọt kèm theo hơi thở mùi hôi khó chịu, ợ hơi, sặc khi ăn uống.

- Sụt giảm cân rõ rệt, xảy ra tình trạng mất nước và dần dần là suy kiệt do không ăn và nuốt được.

- Thường xuyên bị đau lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai.

- Có thể cảm thấy rát họng, ho kéo dài, thậm chí ho ra máu.

- Thường xuyên cảm thấy nôn, buồn nôn.

- Các biểu hiện khác có thể bắt gặp khi khối u phát triển như tức nặng, cảm giác vướng vùng họng, khó thở, khạc đờm, khàn giọng…

Tuy nhiên, chỉ dựa vào các triệu chứng bệnh (tiêu biểu là nuốt nghẹn, khó nuốt) là chưa đủ để kết luận mắc căn bệnh này. Việc chẩn đoán ung thư thực quản còn dựa vào các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng khác.

Người đàn ông lần lượt mắc hai loại ung thư amidan và ung thư thực quản - 2
BS khám lại cho bệnh nhân sau điều trị.

Nhân trường hợp này, BS Tú cũng lưu ý thêm, việc một người mắc 2 loại ung thư không phải là điều bất thường, vì thế, mọi người không nên quá hoang mang lo lắng khi biết mình mắc bệnh. Dù hai loại ung thư, nhưng phát hiện sớm, điều trị triệt căn, tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị cơ hội cho người bệnh rất tốt.

Vì thế, BS Tú cũng khuyến cáo việc khám sức khoẻ định kỳ, tầm soát ung thư là rất quan trọng. Người dân nên thực hiện 6 tháng tầm soát tổng quát ung thư 1 lần, kể cả với những người đã, đang điều trị ung thư.

Việc phát hiện sớm luôn mang lại hiệu quả cao trong điều trị. Trong khi đó, nếu phát hiện muộn, cơ hội sống của bệnh nhân giảm đi rất nhiều.

Hồng Hải