1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dấu hiệu nhận biết, cách phòng ngừa bệnh bạch hầu

Hà An

(Dân trí) - Từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận các ca mắc bạch hầu rải rác ở một số tỉnh như Hà Giang, Nghệ An, Bắc Giang, có 1 người tử vong. Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây theo đường hô hấp.

Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu

Theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh bạch hầu của Bộ Y tế, thể bạch hầu phổ biến nhất là bạch hầu họng (70%), bạch hầu thanh quản (20-30%), bạch hầu mũi (4%), bạch hầu mắt (3-8%), bạch hầu da...

Bạch hầu họng

Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày, người bệnh không có triệu chứng lâm sàng. Trong thời kỳ khởi phát, người bệnh thường sốt 37,5-38 độ C, đau họng, khó chịu, mệt, ăn kém, da hơi xanh, sổ mũi một bên hoặc 2 bên có thể lẫn máu.

Khi khám họng, bác sĩ có thể thấy họng hơi đỏ, amidan có điểm trắng mờ dạng giả mạc ở một bên, sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau.

Thời kỳ toàn phát là vào ngày thứ 2-3 của bệnh. Bệnh nhân sốt 38-38,5 độ C, nuốt đau, da xanh tái, mệt nhiều, chán ăn, mạch nhanh, huyết áp hơi hạ.

Khi khám họng, bác sĩ có thể thấy giả mạc lan tràn ở một bên hoặc 2 bên amidan, trường hợp nặng, giả mạc lan trùm lưỡi gà và màn hầu.

Dấu hiệu nhận biết, cách phòng ngừa bệnh bạch hầu - 1

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Ảnh: B.V).

Giả mạc lúc đầu trắng ngà, sau ngả màu hơi vàng nhạt, dính chặt vào niêm mạc, bóc tách gây chảy máu, nếu bóc tách thì vài giờ sau mọc lại rất nhanh; giả mạc dai, không tan trong nước. Hạch góc hàm sưng đau, bệnh nhân sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc lẫn mủ.

Bạch hầu ác tính

Bệnh có thể xuất hiện sớm ngày 3-7 của bệnh. Bệnh cảnh nhiễm trùng nhiễm độc nặng, bệnh nhân sốt cao 39-40 độ C, giả mạc lan rộng, khắp hầu họng và môi. Hạch cổ bệnh nhân sưng to biến dạng dẫn đến hình cổ bạnh, có nhiều biến chứng sớm viêm cơ tim, suy thận và tổn thương thần kinh.

Bạch hầu thanh quản

Bệnh cảnh lâm sàng bao gồm viêm thanh quản cấp (ho ông ổng, khàn tiếng, khó thở chậm thì hít vào, có tiếng rít thanh quản), giai đoạn muộn sẽ dẫn đến ngạt thở.

Như vậy, các triệu chứng thường gặp khác bao gồm: Đau họng, sốt nhẹ và ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, viêm hạch cổ thành hình ảnh cổ bạnh to. Giả mạc đường hô hấp gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân, khàn tiếng, khó nuốt và nuốt đau gặp ở 26-40%.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có chảy dịch mũi huyết thanh hoặc mủ, giả mạc lan lên lỗ mũi sau. Khó thở, thở rít, thở khò khè xảy ra ở những bệnh nhân có giả mạc thanh quản. Giả mạc này có thể nhanh chóng gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở hoặc hít phải màng giả vào khí quản phế quản.

Những diễn biến trầm trọng như viêm cơ tim, tổn thương thận thường xảy ra sau khi mắc bệnh 1-2 tuần, là lúc các triệu chứng ở hầu họng có thể đã lui. 

Phòng bệnh bạch hầu

Hiện nay, bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị và hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vaccine.

Bên cạnh đó, theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, để phòng bệnh người dân cần lưu ý:

- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che miệng khi hắt hơi hoặc ho, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

- Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.

- Với những người xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.

- Bệnh bạch hầu là căn bệnh có tốc độ lây lan nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ tử vong cao.

Dấu hiệu nhận biết, cách phòng ngừa bệnh bạch hầu - 2