Dấu hiệu "đáng ngạc nhiên" này ở lưng cảnh báo ung thư phổi

Hà An

(Dân trí) - Hầu hết những người bị đau lưng không bị ung thư phổi. Tuy nhiên, đối với một số người, đau lưng hóa ra là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh ung thư phổi.

Các triệu chứng của ung thư phổi là gì?

Các triệu chứng của ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ về cơ bản là giống nhau.

Dấu hiệu đáng ngạc nhiên này ở lưng cảnh báo ung thư phổi - 1
Ung thư phổi khó phát hiện sớm do các triệu chứng ở giai đoạn đầu thường mờ nhạt thậm chí không có biểu hiện.

Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm:

- Ho kéo dài hoặc nặng hơn

- Ho có đờm hoặc máu

- Đau ngực trầm trọng hơn khi bạn thở sâu, cười hoặc ho

- Khàn tiếng

- Hụt hơi

- Thở khò khè

- Suy nhược và mệt mỏi

- Chán ăn và sụt cân

Bạn cũng có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát như viêm phổi hoặc viêm phế quản.

Khi ung thư lan rộng, các triệu chứng bổ sung phụ thuộc vào vị trí các khối u mới hình thành. Ví dụ, nếu trong hạch bạch huyết (cục u, đặc biệt ở cổ hoặc xương đòn), xương (đau xương, đặc biệt là ở lưng, xương sườn hoặc hông), não hoặc cột sống (nhức đầu, chóng mặt, các vấn đề về thăng bằng hoặc tê tay hoặc chân), gan (vàng da và mắt). Các khối u ở đỉnh phổi có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh mặt, dẫn đến tình trạng sụp mí mắt, đồng tử nhỏ.

Nó cũng có thể gây đau vai.

Các khối u có thể đè lên tĩnh mạch lớn vận chuyển máu giữa đầu, cánh tay và tim. Điều này có thể gây sưng mặt, cổ, ngực trên và cánh tay.

Ung thư phổi đôi khi tạo ra một chất tương tự như hormone, gây ra một loạt các triệu chứng được gọi là hội chứng paraneoplastic, bao gồm: yếu cơ, buồn nôn, nôn mửa, giữ nước, huyết áp cao, đường trong máu cao, lú lẫn, co giật, hôn mê

Dấu hiệu đáng ngạc nhiên này ở lưng cảnh báo ung thư phổi - 2

Ung thư phổi và đau lưng

Đau lưng là biểu hiện khá phổ biến trong dân số nói chung. Mọi người thường đổ lỗi cho đau lưng là do mang vác vật nặng, do tập luyện quá sức, hoặc do tuổi già. Bệnh ung thư phổi và đau lưng có thể không liên quan. Hầu hết những người bị đau lưng không bị ung thư phổi.

Tuy nhiên, đau lưng cũng có thể là dấu hiệu của ung thư phổi. Không phải ai mắc ung thư phổi cũng bị đau lưng, nhưng nhiều người bị. Đối với một số người, đau lưng hóa ra là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh ung thư phổi. Đau lưng có thể do áp lực của các khối u lớn phát triển trong phổi. Nó cũng có thể có nghĩa là ung thư đã di căn đến cột sống hoặc xương sườn của bạn.

Bạn cần đặc biệt cảnh giác khi đau lưng không rõ nguyên nhân.

Khi phát triển, một khối u ung thư có thể gây chèn ép vào tủy sống. Điều đó có thể dẫn đến suy giảm thần kinh gây ra yếu tay và chân tê hoặc mất cảm giác ở chân và bàn chân, tiểu tiện và đại tiện không tự chủ…

Nếu không điều trị, cơn đau lưng do ung thư sẽ tiếp tục trầm trọng hơn. Đau lưng có thể cải thiện nếu điều trị như phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị có thể loại bỏ hoặc thu nhỏ thành công khối u.

Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng corticosteroid hoặc kê đơn thuốc giảm đau như acetaminophen và thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Đối với cơn đau nghiêm trọng hơn, có thể cần dùng opioid như morphin hoặc oxycodone.

Tiên lượng bệnh

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính. Trong nhiều năm qua, dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị (hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, thuốc nhắm trúng đích liên tục được cập nhật) nhưng tiên lượng vẫn còn rất dè dặt. Tỷ lệ tử vong vẫn cao.

Ung thư phổi khiến người bệnh bị suy giảm sức khỏe toàn trạng, nhiều người không thể tham gia hết được liệu trình điều trị, hoặc sau điều trị thành công vẫn có khả năng tái phát.

Đáng lưu ý, ngay cả khi phát hiện rất sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm cũng không cao như các loại ung thư khác, chỉ 8- 44%. Tại Việt Nam, cũng có rất ít bệnh nhân ung thư phổi sống được 5-6 năm.

Với những trường hợp bị ung thư phổi di căn, thời gian sống chỉ được 3-6 tháng do ung thư phổi tiến triển nhanh.

Phòng bệnh

Ung thư phổi cũng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Vì thế, dự phòng bệnh được coi là chiến lược quan trọng nhất. Theo đó, người dân không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.

Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm