Dấu hiệu cảnh báo sớm căn bệnh khiến danh hài Chí Tài qua đời
(Dân trí) - Mỗi năm ước tính Việt Nam có hơn 200.000 ca mắc mới, với hậu quả hơn 11.000 người tử vong và trên 100.000 người bị tàn phế do căn bệnh nguy hiểm này.
Đồng nghiệp và khán giả bàng hoàng khi hay tin danh hài Chí Tài đã đột ngột qua đời vào chiều ngày 9/12 tại TPHCM. Theo thông tin từ một số nghệ sĩ, danh hài Chí Tài có dấu hiệu bị đột quỵ và lập tức được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Mặc dù đã được các y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bệnh quá nặng nên anh đã không qua khỏi.
Đột quỵ (Tai biến mạch máu não) là một tổn thương đến não xảy ra khi dòng máu cung cấp cho cơ quan này bị gián đoạn hoặc suy giảm đáng kể, khiến não bị thiếu oxy và dinh dưỡng, hệ quả là các tế bào não bắt đầu chết đồng loạt trong vòng vài phút. Đột quỵ rất dễ gây tử vong cũng như để lại nhiều di chứng nặng nề nếu người bệnh qua khỏi.
Nguyên nhân gây đột quỵ
Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân gây đột quỵ, bao gồm cả yếu tố sinh lý và bệnh lý. Cụ thể:
Nguyên nhân sinh lý
- Tuổi tác: Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi. Một nghiên cứu cho thấy, kể từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ đột quỵ lại tăng lên gấp đôi.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới.
- Tiền sử gia đình: Nếu người thân trong gia đình từng bị đột quỵ thì bạn có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn người bình thường.
- Thừa cân, béo phì: Tình trạng thừa cân, béo phì có thể dẫn đến nhiều bệnh như: Cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch, do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nguyên nhân bệnh lý
- Tiền sử đột quỵ: Người có tiền sử bị đột quỵ tiềm ẩn nguy cơ cao gặp phải tình trạng này lần tiếp theo, nhất là trong vòng vài tháng đầu. Nguy cơ này kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian.
- Tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường thì nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nhiều lần so với người bình thường.
- Bệnh tim mạch: Người mắc các bệnh lý tim mạch có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
- Cao huyết áp: Cao huyết áp nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến thành động mạch bị tổn thương, dễ dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, tình trạng này còn tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành, gây tắc mạch máu não.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ.
Các dấu hiệu cụ thể gồm:
- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người)
- Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.
- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt.
- Đột ngột đau đầu dữ dội.
- Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…
Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".
Cách phòng ngừa đột quỵ hiệu quả
Để phòng ngừa đột quỵ, cần điều chỉnh kết hợp 3 yếu tố: Kiểm soát các bệnh lý nguy cơ, sinh hoạt điều độ và bổ sung đủ chất dinh dưỡng. Cụ thể:
- Kiểm soát các bệnh lý nguy cơ: Cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim… chính là những bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, người mắc các bệnh này cần chú ý kiểm soát tình trạng bệnh để giữ sức khỏe ổn định.
- Sinh hoạt điều độ: Cần ngủ đủ giấc, đúng giờ, nghỉ ngơi thư giãn hợp lý, không sử dụng chất kích thích, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Bổ sung dinh dưỡng: Cần tăng cường ăn rau xanh, trái cây, những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để giữ mạch máu khỏe mạnh. Ngoài ra, nên hạn chế uống rượu bia, các món ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…