Đau đầu mùa lạnh chớ vội uống thuốc

Trời lạnh nhiều người bị đau, nhức vùng đầu, thậm chí đau dữ dội. Theo bác sĩ Duy Anh, Bệnh viện E Hà Nội thì đau đầu do nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan đến thời tiết, tâm lý... và không nên cứ đau đầu là dùng thuốc giảm đau “hãm” cơn ngay.

Để tránh đau đầu do thời tiết, do trời lạnh, mọi người nên mặc ấm, đội mũ, quàng khăn che phần trán, đỉnh đầu, hai bên tai và cổ. Ảnh: T.G
Để tránh đau đầu do thời tiết, do trời lạnh, mọi người nên mặc ấm, đội mũ, quàng khăn che phần trán, đỉnh đầu, hai bên tai và cổ. Ảnh: T.G

Tại sao bị đau đầu?

Anh Hoàng rất hay bị đau đầu, nhưng có lần anh bị một cơn đau đầu dữ dội khiến anh phải chạy ngay ra hiệu thuốc gần cơ quan nhờ dược sĩ bán cho loại thuốc giảm Panadol. Sau khi uống thuốc, cơn đau hạ dần và từ  sau lần đó mỗi lần đau lại là “đơn cũ” anh dùng tiếp để “chặn” không để cơn đau bùng phát.

Bác sĩ Duy Anh cho hay, khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh gặp mưa gió, ẩm thấp… khiến các mạch máu não phồng tấy quanh các mô gây thiếu máu đến các vùng não và sinh đau đầu, với những cơn đau rất khó chịu, dai dẳng, dữ dội.

Nhiều người thường tự mua thuốc về uống, thậm chí còn tự tăng liều để “hãm” cơn đau, có thể hiểu nôm na là thuốc đã “cắt” cơn đau đầu và “cắt” luôn liên lạc cơn đau với não. Nhưng đó chỉ là trị triệu chứng, chứ chưa trị nguyên nhân tận gốc gây đau đầu. Nếu cứ đau đầu là uống thuốc giảm đau về lâu dài có thể bị hiệu ứng hồi ngược và nguy hiểm hơn là sau một thời gian uống thuốc thì triệu chứng đau đầu tái phát và khó điều trị hơn, chưa kể gặp các tác dụng phụ, tổn thương gan, thận…

Một số thuốc trị đau đầu dùng không đúng cách, dùng quá liều sẽ trở thành thuốc độc. Một số loại thuốc giảm đau nếu dùng lâu dài sẽ bị “nghiện”, bị “quen” thuốc gây mất tác dụng giảm đau, khiến người bệnh muốn uống tăng liều khi bị cơn đau đầu hành hạ… điều đó rất nguy hiểm. Một số loại thuốc trị cảm cúm khác có chứa Paracetamol, nếu dùng cả thuốc đau đầu và cảm cúm (có Paracetamol) cùng lúc thì có thể xảy ra quá liều, tăng độc tính. Nếu là người ăn uống thất thường, hay uống rượu thì việc này cực kỳ hại cho lá gan ở giai đoạn sớm.

Đau thế nào thì phải đến bệnh viện?

Đau đầu còn có thể do các nguyên nhân tâm lý như: Làm việc quá căng thẳng, stress, suy nghĩ nhiều, mất ngủ… Nhưng cần tới bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị ngay khi: Người đang khỏe mạnh đột nhiên đau đầu dữ dội, có thể kèm nôn ói; Đau đầu uống thuốc giảm đau đã đỡ nhưng sau đó lại tái phát đau và kéo dài; Đau đầu âm ỉ kéo dài… Tất cả các trường hợp có sự nghi ngờ nên đi khám bác sĩ để có chẩn đoán tìm đúng nguyên nhân. Đặc biệt nếu một ngày bị đau đầu hơn 2 lần thì cần phải đi viện khám sớm, không tự uống thuốc giảm đau bừa bãi ở nhà.

Nếu uống thuốc vẫn bị đau đầu hoặc kèm triệu chứng khác cần đi khám để xác định bệnh. Nếu bạn bị hiệu ứng đau đầu hồi ngược, cần dừng hết các loại thuốc giảm đau và thay thế bằng những liệu pháp tự nhiên khác.

Trị đau đầu thời tiết bằng liệu pháp tự nhiên

Bị đau đầu cần điều trị nguyên nhân và chỉ nên uống thuốc giảm đau khi có y lệnh, uống thuốc đúng liều, không nên lạm dụng, phải đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng vì nhiều loại thuốc có chung thành phần hoạt chất, nhưng lại dùng khác mục đích.

Theo BS Trần Văn Thuấn (Khoa Đông y, Bệnh viện Xanh Pôn), đau đầu do thời tiết, do lạnh có thể dùng những liệu pháp tự nhiên (như thủy liệu pháp, hương liệu pháp, châm cứu, massage, yoga...), các phương pháp Đông y (xoa bóp bấm huyệt, châm cứu…) và nghỉ ngơi để sớm chấm dứt cơn đau đầu. Hãy tìm chỗ thư giãn, thoáng sạch để hít thở, vận động nhẹ để cơn đau dịu xuống và dùng các liệu pháp tự nhiên, các phương pháp Đông y, dân gian đúng cách để trị đau đầu nhanh, hiệu quả, bớt tốn tiền và gây họa cho lá gan.

Trong Y học cổ truyền có thể tự chữa đau đầu bằng cách: Hãy lấy trọng tâm là giữa lông mày, nhắm mắt, ngồi thẳng lưng, tâm hồn tĩnh lặng… sẽ bớt đau đầu. Hoặc bấm mạnh vào điểm giữa hai lông mày, day thành những vòng tròn nhỏ (đặt hai ngón trỏ vào góc ngoài của đuôi mắt vuốt ngược lên. Rồi đặt hai ngón tay trỏ lên huyệt thái dương tiếp tục day thành vòng tròn). Hoặc cử động, xoa bóp cổ, vai, gáy cũng rất hiệu quả trong việc giảm co rút cơ vùng vai, gáy gây đau đầu.

Ngoài ra, có thể nằm ngủ ít phút, nằm nghe nhạc không nghĩ ngợi gì để giảm căng thẳng, cơn đau có đến cũng không dữ dội (nhưng không nằm lâu vì sẽ bị nặng đầu). Hoặc uống trà gừng, ngâm tay chân trong nước ấm… cũng giảm đau đầu. Các hiệu thuốc có một số sản phẩm như trà kinh giới, viên xông tinh dầu tràm, sả… dùng uống, hoặc xông cũng nhanh làm dịu các cơn đau đầu, nhưng các bác sĩ nhắc nhở cần dùng đúng liều lượng thuốc - nước và đúng thời gian.

Để tránh đau đầu do thời tiết, do trời lạnh, mọi người nên mặc ấm, đội mũ, quàng khăn che phần trán, đỉnh đầu, hai bên tai và cổ. Uống đủ nước, sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ. Năng tập thể dục thể thao, tập dưỡng sinh, yoga, thư giãn… giúp hạn chế những yếu tố kích thích đau đầu. Tạo giấc ngủ ngon sâu cũng giảm được các nguy cơ gây đau đầu.

Về ăn uống, cần bồi bổ vitamin B1, B6, B12, magie, khoáng chất… có trong các rau tươi, quả tươi, nhưng nên làm các món đồ, hấp, luộc (tránh các món xào, nướng.

- Không nên đóng cửa bật điều hòa, dùng hương thơm đậm đặc hay hút thuốc trong phòng điều hòa… vì dễ bị khó ngủ, thiếu dưỡng khí… gây đau đầu.

- Khi đau đầu nên rời xa tivi, máy tính để mắt được nghỉ, đầu óc giảm căng thẳng.

- Phụ nữ hay bị đau đầu trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh cần dùng các thuốc giảm đau nhưng phải có tư vấn của bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp.

- Tuổi trung niên dễ bị đau đầu do viêm tắc mạch máu, kèm với mất ngủ, trầm cảm, giảm cân… do đó cần phải đi khám để được phát hiện nguyên nhân và chữa trị dứt điểm kẻo có thể bị mù.

- Đau đầu cần đi khám, xác định nguyên nhân để chữa trị. Càng nên đi khám khi uống thuốc mà không thấy giảm đau hoặc hay tái phát đau đầu, hoặc thấy có những triệu chứng khác thường.

- Nếu uống thuốc cũng nên áp dụng một số biện pháp khác như châm cứu, tập yoga hoặc thư giãn.

Bác sĩ Duy Anh

 

Theo Uyển Hương

Báo Gia đình & Xã hội