Đau cẳng chân âm ỉ, chàng trai 17 tuổi bất ngờ phát hiện ung thư xương

Hà An

(Dân trí) - Thấy cậu con trai 17 tuổi xuất hiện những cơn đau âm ỉ cẳng chân trái vài tháng nay, gia đình chỉ nghĩ là dấu hiệu bất thường ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, đi khám cậu được chẩn đoán mắc ung thư xương.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên dù được chẩn đoán bệnh nhưng gần 3 tháng N.M.H. không được điều trị. Những cơn đau tăng lên hằng ngày, khối u to nhanh xâm lấn khớp gối khiến em không thể nào duỗi thẳng khớp gối và ngày càng tăng. Ngay cả việc ngồi xe lăn hay di chuyển trên giường cũng rất vất vả, khó chịu. H. rơi vào tình trạng mệt mỏi, gầy sút, các cơ tứ chi bị teo nhỏ.

Vì vậy, ngay khi hết cách ly y tế gia đình đưa cậu đến thăm khám tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội với mong muốn giữ được đôi chân. Tại đây, các bác sĩ đơn vị phẫu thuật u xương và phần mềm nhận định sau 3 tháng không được điều trị, khối u đã phát triển xâm lấn mặt khớp và các hệ thống dây chằng quan trọng của khớp gối làm khớp gối mất duỗi, bất động, hậu quả dẫn đến teo nhỏ hệ thống cơ chi dưới.

Đau cẳng chân âm ỉ, chàng trai 17 tuổi bất ngờ phát hiện ung thư xương - 1

Sau 3 ngày mổ, H. đã có thể duỗi thẳng chân trái.

Để loại bổ triệt căn khối u cần phẫu thuật cắt một nửa xương vùng cẳng chân và phần mềm do u xâm lấn rộng rãi. Hậu quả để lại khuyết hổng xương và phần mềm lớn vùng cẳng chân. Do đó để tạo hình lại khớp gối là một thách thức lớn.

GS Trần Trung Dũng và các bác sĩ sử dụng công nghệ mô phỏng 3D thiết kế bộ khớp gối kèm một nửa xương chày chính xác với các chỉ số riêng của bệnh nhân. Ngoài ra bộ khớp này phải có thiết kế đặc biệt đủ độ vững cũng như chức năng hoạt động tốt khi thiếu hụt quá nhiều phần mềm và hệ thống dây chằng quanh gối. Đồng thời, các bác sĩ cũng lên phương án tạo hình lại gân bánh chè với xương chày nhân tạo bền vững bằng cách chuyển vạt cân cơ từ phía sau qua phía trước ôm lấy diện bám của xương bánh chè.

Ngay sau mổ bệnh nhân đã duỗi thẳng chân. Ngày thứ 2 sau mổ bệnh nhân có thể tập đứng và đi trên chính đôi chân của mình, sau gần 3 tháng bất động tại giường.

Theo Ths.Bs Nguyễn Trần Quang Sáng, ngày nay sự tiến bộ về hóa chất kết hợp với phẫu thuật giúp bệnh nhân ung thư xương có thể sống thêm 5 năm với tỷ lệ khá cao 60-70 %. Cùng với đó, sự phát triển của phẫu thuật chỉnh hình, mạch máu, chuyển vạt cân cơ và công nghệ in 3D giúp phục hồi tối đa chức năng chi thể, đồng thời có độ thẩm mỹ cao.

Tuy nhiên để điều trị hiệu quả nhất thì bệnh nhân phải đến thăm khám đúng thời điểm, tránh để bệnh diễn biến quá lâu giống trường hợp bệnh nhân trên.