Đáp ứng được 50% nhu cầu sử dụng thuốc trong nước

(Dân trí) - “Mặc dù đã sản xuất được hầu hết các dạng thuốc thông thường, nhiều dạng bào chế đặc biệt cũng đã được sản xuất, đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc trong nước tính theo giá trị”, thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang phát biểu.

Trong quá trình hội nhập và phát triển, ngành công nghiệp dược Việt Nam đã có những bước tiến bộ vượt bậc. Tính đến nay đã có 113 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuản GMP – WHO, với trên 13.268 sản phẩm trong nước được cấp số đăng ký lưu hành của hơn 500 hoạt chất, cơ bản sản xuất được thuốc thành phẩm có hoạt chất nằm trong danh mục thuốc thiết yếu theo khuyến cáo của WHO.

 

Một số hoạt chất, nguyên liệu làm thuốc và tá dược làm thuốc đã được sản xuất. Các hoạt chất chủ yếu được chiết xuất từ dược liệu dưới dạng các hoạt chất tương đối tinh khiết như artemisinin, berberin, rutin, rotundin… hay dưới các dạng thành phẩm trung gian. Quá trình bán tổng hợp cũng được triển khai nhằm tạo ra các hoạt chất có tác dụng dược lý tốt hơn hoặc tiện dùng hơn như artesunat, artermether, arteether, ampicilin, amoxicilin… Nhiều hợp chất hữu cơ được tổng hợp ra để sàng lọc các thuốc mới, một số sản phẩm dưới dạng hoạt chất hay sinh khối cũng đã được sinh tổng hợp. Bên cạnh đó, là các thành công trong sản xuất vắc-xin trong nước, đã đáp ứng 100% nhu cầu vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các sinh phẩm miễn dịch và 1 số ứng dụng khác về công nghệ sinh học trong sản xuất dược phẩm.

 

Công nghệ tách chiết các sản phẩm máu đã tạo ra các sản phẩm máu và huyết tương được ứng dụng, đem lại hiệu quả cao trong điều trị và kinh tế cao.

 

Tuy nhiên, theo thứ trưởng Cao Minh Quang, ngành công nghiệp dược Việt Nam vẫn còn 1 số hạn chế như 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, công nghiệp dược mới bào chế các dạng thuốc ở trình độ trung bình, đáp ứng ddowjc khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc trong nước tính theo giá trị; có nền y dược học cổ truyền lâu đời và nguồn dược liệu phong phú nhưng số chế phẩm từ dược liệu được sản xuất ở quy mô công nghiệp thực sự có giá trị phòng, chữa bệnh cao hoặc có thể xuất khẩu là rất ít.

 

Nhận thức được tầm quan trọng của thực tiễn đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ dược phẩm làm nền tảng cho sự phát triển của công nghiệp dược Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập Viện Công nghệ dược phẩm Quốc gia trực thuộc DDH Dược Hà Nội. Tại buổi lễ ra mắt Viện Công nghệ dược phẩm Quốc gia, PGS.TS Thái Nguyễn Hùng Thu đã công bố kế hoạch hoạt động và phát triển của Viện trong giai đoạn 2012-2020.

 

Nhân Hà