Đảo lộn cuộc sống vì thành F0, nhiều người trẻ nơm nớp lo tái nhiễm

Minh Nhật

(Dân trí) - Chưa kịp vui vì khỏi bệnh, Nhân (26 tuổi, sống tại Hà Nội), lại nơm nớp lo tái nhiễm Covid-19, khi đọc tin thấy nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh lần 2, thậm chí là lần 3.

Chưa hết F0 đã lo tái nhiễm!

Anh N.M.N. (27 tuổi, địa chỉ tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) phát hiện mắc Covid-19 vào đầu tháng 3, sau khi xuất hiện triệu chứng sốt cao.

Anh N. chia sẻ, nguồn lây có thể là do tiếp xúc với một người họ hàng là F0. Là người trẻ, không có bệnh nền đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng trải nghiệm thành F0 lại "tệ" hơn những gì anh N. từng nghĩ trước đó rất nhiều.

Đảo lộn cuộc sống vì thành F0, nhiều người trẻ nơm nớp lo tái nhiễm - 1

Các loại thuốc và thực phẩm chức năng anh N. sử dụng trong quá trình điều trị tại nhà (Ảnh: NVCC).

"Trước khi mắc bệnh, tôi từng mang tâm lý "Ai rồi cũng thành F0" và nghĩ rằng dù có mắc thì triệu chứng chỉ như cảm thông thường. Thế nhưng ngay đêm đầu tiên mắc bệnh, tôi đã sốt cao 39 - 40 độ C, rét run từng cơn, khắp người nhức mỏi như bị ai đánh. Sau một đêm trằn trọc không ngủ được, sang ngày thứ hai, người tôi gần như không còn chút sức lực nào", anh N. nói.

Thấy tình trạng của chồng khá nặng, vợ anh N. phải tức tốc mua cả tá các loại thuốc, thực phẩm chức năng và không quên mua thực phẩm đủ để cả 2 vợ chồng dùng trong 10 ngày, để phòng việc cả 2 đều mắc Covid-19.

Sau 2 ngày đánh vật với bệnh, sang ngày thứ 3, anh N. hết sốt nhưng vẫn còn ho khan. Đặc biệt người rất nhanh xuống sức. Lúc nghỉ ngơi thì không sao nhưng chỉ cần đứng dậy làm việc thì chỉ sau 10 phút đã thấy mệt. Anh N. chia sẻ: "Một lần mắc Covid-19 làm xáo trộn hoàn toàn cuộc sống của cả gia đình. Không chỉ là cảm giác khó chịu khi mắc bệnh, việc mua thuốc, vitamin, trái cây và kit test trong thời gian điều trị bệnh tốn một khoản không nhỏ. Thêm vào đó, tôi vẫn chưa trở về được năng suất làm việc trước đó, việc này đương nhiên ảnh hưởng nhiều đến thu nhập".

Mặc dù đã vượt qua Covid-19 nhưng nay anh N. lại có một nỗi lo khác. "Tôi thấy nhiều người chia sẻ rằng, sau hơn một tháng khỏi bệnh lại bị tái nhiễm và vẫn có triệu chứng như lần đầu. Nghĩ thôi đã thấy sợ!", anh N. cho hay.

Chung tâm lý "ai rồi cũng mắc Covid-19", Thảo, 25 tuổi, chủ một shop áo quần online tại Hà Nội, hiện đang sinh sống tại quận Thanh Xuân, cũng bất ngờ mắc Covid-19 sau một thời gian "bình thường mới".

Trao đổi với Dân trí, Thảo chia sẻ: "Tôi không chủ quan với Covid-19 nhưng cũng không đề phòng bệnh như trước. Tôi vẫn đi làm và thỉnh thoảng đi chơi, tụ tập bạn bè như bình thường và vẫn tuân thủ 5K".

Thảo xuất hiện triệu chứng sốt, mỏi người từ ngày 1/3 nhưng tự test nhanh vẫn cho kết quả âm tính. Đến ngày 3/3, cô hết sốt thì mới test nhanh lên 2 vạch. Lúc này, cô bắt đầu xuất hiện triệu chứng rát họng, đau đầu, sổ mũi, ngạt mũi.

"Thật ra việc mắc Covid-19 nhẹ hơn tôi nghĩ. Có triệu chứng nào tôi uống thuốc điều trị triệu chứng đó. Tuy nhiên, vì ở một mình, phải cách ly trong phòng nên công việc bán hàng online của tôi bị ảnh khá nhiều khi không thể giao nhận đơn. Có lẽ sau lần mắc này, tôi sẽ đề phòng với Covid-19 hơn để không bị tái nhiễm", Thảo nói.

Phan Nhân, 26 tuổi, sống tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai phát hiện dương tính SARS-CoV-2 từ ngày 23/2. Sau quá trình tự điều trị tại nhà, Nhân có kết quả âm tính vào ngày 3/3.

Chưa kịp vui vì khỏi bệnh, Nhân lại nơm nớp lo tái nhiễm Covid-19, khi đọc tin thấy nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh lần 2, thậm chí là lần 3.

"Tôi biết có người nhiễm lại lần 3. Đáng nói là lần một không biểu hiện nhiều, lần 2, 3 đã mệt hơn và sức khỏe kém đi. Tôi nghĩ nếu sau này cứ tái nhiễm như này thì sẽ rất mệt mỏi, hậu Covid-19 bào mòn sức lực rõ rệt", Nhân chia sẻ.

Đảo lộn cuộc sống vì thành F0, nhiều người trẻ nơm nớp lo tái nhiễm - 2

Sau khi khỏi bệnh, cô gái này đã thận trọng với Covid-19 hơn trước rất nhiều (Ảnh minh họa: NVCC).

Lo phải đối diện với Covid-19 một lần nữa, từ khi khỏi bệnh, Nhân hạn chế đến chỗ đông người, ít tụ tập bạn bè hơn hẳn so với trước kia.

Không được chủ quan dù đã từng mắc Covid-19!

Như Dân trí đã đưa tin, vừa qua nhiều người sau khi khỏi Covid-19 hơn một tháng đã có kết quả dương tính SARS-CoV-2 trở lại, kèm theo các triệu chứng. Đáng chú ý, có trường hợp triệu chứng lần 2 còn nặng hơn lần đầu.

Trong cuộc họp mới đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, vaccine hiện vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Do đó, Bộ Y tế vẫn đặt công tác tiêm chủng lên ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đánh giá khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron, ông khuyến cáo người dân phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến chủng mới như Alpha, Delta, Omicron. Kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Theo BS Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), nếu người bệnh hiện giờ phát hiện tái nhiễm, thì khả năng là mắc chủng Omicron.

"Nếu F0 mắc chủng Delta khỏi bệnh, nhiễm lại khả năng mắc Omicron, nhưng triệu chứng thường sẽ nhẹ hơn", BS Khanh nói.

Tái nhiễm là trạng thái một bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau một thời gian vẫn bị mắc lại bệnh đó.

Cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định một bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 là khi bệnh nhân đó từng nhiễm Covid-19, đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, một thời gian dài sạch virus. Sau đó, bị nhiễm bệnh lại và nuôi cấy virus có mọc lại. Tức là lần nhiễm sau bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước.