Không mắc Covid-19 mới là lạ?!

Bích Diệp

(Dân trí) - Ngày cuối tuần, tôi dành thời gian lên mạng xã hội, trong danh sách bạn bè, cứ 10 bài đăng thì có đến 4-5 bài nói về cách chữa Covid-19 tại nhà...

Lại có người nói vui "Sắp tới bạn bè người quen lâu ngày gặp nhau có khi còn chào hỏi theo kiểu: Bác mắc Covid chưa?"

Khi con số mắc Covid-19 lên đến hàng triệu và có hôm tới hàng vài chục nghìn ca mắc, tôi chẳng còn thói quen theo dõi số lượng nhiễm mới. Cứ vài ba ngày quanh khu tôi ở lại có nhà treo biển có người đang điều trị Covid-19, không chăng dây cũng chẳng thấy người ta xôn xao như trước.

Ngoại trừ việc bọn trẻ ở nhà học trực tuyến thì người lớn vẫn đến công sở đều đặn, hàng quán vẫn mở, taxi vẫn hoạt động… Cuộc sống dường như đang dần quay trở lại với quỹ đạo cũ.

Không mắc Covid-19 mới là lạ?! - 1

Ca mắc mới Covid-19 có xu hướng tăng cao trong những ngày gần đây (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).

F0 ở khắp mọi nơi khiến không ít người cho rằng, không mắc Covid-19 mới là… lạ, thậm chí có người nói, đang chờ để thành... F0! 

Mới đây thôi, có người còn chia sẻ chuyện trong một gia đình mà F1 duy nhất phải cách ly ở phòng riêng vì các thành viên còn lại đều đã mắc Covid-19. Thế là một câu chuyện ngược đời, đầy oái oăm xảy ra: các F0 chăm F1! Vậy mới thấy, tốc độ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng "chóng mặt" đến thế nào. Rõ ràng chúng ta đã "sống chung với Covid" đúng nghĩa rồi!.

Câu hỏi đặt ra là: Đã nên xem Covid-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường hay chưa?

Về vấn đề này, BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, hiện tại vẫn chưa phải là thời điểm phù hợp. BS Phúc chỉ ra 3 vấn đề cần thận trọng: Thứ nhất, Omicron có khả năng lây lan rất mạnh. Thứ hai, Omicron có thể lây cho cả những trường hợp đã tiêm vaccine Covid-19. Thứ ba, Omicron có thể tái nhiễm với những bệnh nhân đã từng mắc các biến thể khác.

Nói gì thì nói, đã là bệnh thì không ai mong muốn mắc phải (chứ chưa nói là cố tình mắc vì nghĩ mắc Covid-19 rồi sẽ không phải lo gì nữa). Virus một khi xâm nhập cơ thể ở mức độ nào đó sẽ để lại tổn thương và di chứng, thậm chí là có trường hợp tử vong.

Sẽ là may mắn khi có người mắc Covid-19, triệu chứng chỉ ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Nhưng, các bạn biết đấy, nhiều trường hợp phải vật lộn rất khổ sở giữa bệnh tật và những bi kịch mất mát người thân xảy ra không hề ít.

Vậy nên, đừng bao giờ nghĩ rằng "hay là mắc Covid-19 một lần cho xong để khỏi phải nơm nớp lo lắng", cũng đừng vội coi thường dịch bệnh.

Khác với giai đoạn trước, hiện nay chúng ta đã phủ vaccine trên diện rộng nên khi xảy ra lây nhiễm thì tác động của virus lên sức khỏe có thể không còn nghiêm trọng như trước. Hơn nữa, vào tuần tới, một số loại thuốc trị Covid-19 cũng sẽ được phép bán công khai trên thị trường...

Bối cảnh hiện tại cho phép chúng ta tự tin hơn, không hoang mang với diễn biến dịch, bình tĩnh trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và học tập. Vậy nhưng, bệnh dịch vẫn cứ là bệnh dịch, SARS-CoV-2 vẫn là loại virus siêu lây nhiễm và chúng ta vẫn phải phòng ngừa. Đành rằng đã có thuốc, nhưng thuốc vẫn cần có những lưu ý nhất định khi điều trị chứ không phải có tiền là mua và thích dùng thế nào cũng được. Hơn nữa, ai cũng cần có trách nhiệm bảo vệ không chỉ sức khỏe của bản thân mà còn với cả những người xung quanh. Sẽ thế nào nếu người nhiễm virus từ chúng ta lại là người có nhiều bệnh nền, sức đề kháng yếu?

Cuộc chiến nào cũng vậy, khi mà chưa hoàn toàn kết thúc thì con người ta vẫn còn phải cầm trên tay "vũ khí", đó là sự thận trọng, cảnh giác, là công cụ vaccine, thuốc điều trị. Trên tất cả, vẫn là ý thức của một con người, biết vì mình - vì thân thể mà cha mẹ đã sinh ra, và biết vì sức khỏe của cả người thân, của cộng đồng! Không chống dịch cực đoan, nhưng đừng quá chủ quan - chưa phải lúc!