Đáng chú ý 2 thử nghiệm điều trị ung thư bằng tăng cường hệ miễn dịch
(Dân trí) - Bên cạnh vắc xin, biến đổi gen, sử dụng vi rút, một số dạng liệu pháp miễn dịch với mục tiêu tăng cường những phần cụ thể của hệ miễn dịch đang tỏ ra rất có triển vọng, nhưng chúng cũng rất phức tạp và cho đến nay mới chỉ có các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện tại các trung tâm y tế lớn:
Liệu pháp tế bào T thụ thể kháng nguyên khảm (liệu pháp CAR T-cell)
Đây là một cách mới rất hứa hẹn để có được các tế bào miễn dịch gọi là tế bào T chống ung thư. Với kỹ thuật này, các tế bào T được lấy ra từ máu của bệnh nhân và biến đổi gen trong phòng thí nghiệm để mang những thụ thể kháng nguyên đặc hiệu(gọi là thụ thể kháng nguyên khảm, hay CAR) trên bề mặt.
Các thụ thể này sẽ gắn với protein trên bề mặt của tế bào ung thư. Tế bào T sau đó được nhân lên trong phòng thí nghiệm và truyền trở lại vào máu của bệnh nhân, ở đó chúng sẽ truy tìm và khởi động một cuộc tấn công miễn dịch nhằm chính xác vào tế bào ung thư.
Kỹ thuật này đã cho kết quả rất đáng khích lệ trong các thử nghiệm lâm sàng ban đầu đối với một số dạng bệnh bạch cầu và u lympho giai đoạn muộn và khó trị. Nhiều bệnh nhân không còn phát hiện thấy ung thư sau khi điều trị, mặc dù chưa rõ những người này đã khỏi hẳn bệnh chưa.
Một số người bị những tác dụng phụ nghiêm trọng từ việc điều trị, bao gồm sốt rất cao và tụt huyết áp nguy hiểm trong những ngày sau khi truyền. Các bác sĩ đang tìm cách đối phó với những tác dụng phụ này.
Các bác sĩ vẫn đang cải tiến cách tạo ra tế bào T và tìm cách tốt nhất để sử dụng chúng. Họ cũng đang nghiên cứu xem liệu pháp điều trị này có tác dụng với những loại ung thư khác hay không. Hiện nay liệu pháp CAR T-cell mới chỉ có trong các thử nghiệm lâm sàng.
Tế bào lympho thâm nhiễm khối u và interleukin-2 (IL-2)
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những tế bào của hệ miễn dịch nằm sâu trong một số khối u và đặt tên cho chúng là tế bào lympho thâm nhiễm khối u (TILs). Có thể lấy các tế bào T này từ mẫu khối u của bệnh nhân và nhân lên trong phòng thí nghiệm bằng cách xử lý chúng với IL-2. Khi được tiêm trở lại vào người bệnh, những tế bào này có thể chống trả bệnh ung thư.
Các điều trị sử dụng TILs đang được thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân u hắc tố, ung thư thận, ung thư buồng trứng và các ung thư khác. Nghiên cứu ban đầu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ về phương pháp này tỏ ra rất có triển vọng, nhưng việc sử dụng nó có thể bị hạn chế vì có thể không lấy được TILs từ tất cả các bệnh nhân.
Cẩm Tú
Theo Cancer