Đang chăm hoa, người đàn ông Hà Nội bỗng bị viên sỏi lọt vào đường thở

Hồng Hải

(Dân trí) - Người đàn ông được gia đình phát hiện ngã trên sàn sân thượng, trong tình trạng thở nhanh, khó thở, thở rít vùng cổ, xung quanh nhiều đất đá nhỏ rơi vãi.

Ngày 25/3, PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, bệnh viện mới đây tiếp nhận ca dị vật đường thở nguy hiểm. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng suy hô hấp, ý thức giảm.

Bệnh nhân là nam giới 72 tuổi, có tiền sử tai biến mạch máu não cách đây 3 năm, di chứng yếu nửa người trái.

Đang chăm hoa, người đàn ông Hà Nội bỗng bị viên sỏi lọt vào đường thở - 1

Hình ảnh dị vật là viên sỏi trắng trong đường thở người bệnh (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi được phát hiện đưa vào viện, bệnh nhân lên sân thượng trồng cây. Khoảng 14h30, người nhà phát hiện bệnh nhân ngã trên sàn, mắt mở tự nhiên, gọi hỏi biết nhưng không phản ứng được, thở nhanh, khó thở, thở rít vùng cổ, xung quanh có nhiều đất đá nhỏ rơi vãi xung quanh.

Ngay lập tức, người nhà đưa đi cấp cứu, vào Bệnh viện 354 cấp cứu phát hiện dị vật đường thở nên chuyển Bệnh viện Phổi Trung ương trong tình trạng ý thức giảm, khó thở nhiều, suy hô hấp tăng dần, thở rít vùng cao, vật vã kích thích, yếu nửa người trái.

PGS Phú cho biết, các bác sĩ đã khẩn cấp gắp dị vật là một viên sỏi thường được rắc ở giỏ hoa ra khỏi khí quản người bệnh. Ngay sau khi dị vật được lấy ra, đường thở thông thoáng, bệnh nhân không còn tình trạng suy hô hấp, đỡ khó thở nhiều, hết tiếng thở rít vùng cổ cao.

Nhiều khả năng, khi chăm các giỏ hoa treo, rắc các viên sỏi vào giỏ hoa, bệnh nhân bị 2 viên sỏi rơi vào đường thở, viên to hơn mắc ở khí quản, gây suy hô hấp.

Các bác sĩ cảnh báo, hóc dị vật đường thở rất nguy hiểm, khi dị vật chặn kín đường thở có thể khiến người bệnh tử vong trước khi kịp đến viện.

PGS Phú cho biết thêm, có rất nhiều trường hợp dị vật đường thở đã được bệnh viện cấp cứu, vì chủ quan trong sinh hoạt, ăn uống. Có trường hợp dị vật khí quản do hạt nhãn, xương gà, răng giả, đinh dài... 

Vì thế, trong sinh hoạt hàng ngày, ăn uống, lao động... phải rất thận trọng để phòng nguy cơ dị vật đường thở.