1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyện 18

Dân “nghiền” bơi và “mùa” đau mắt đỏ

(Dân trí) – Dịch đau mắt đỏ đã khiến các bể bơi ở Hà Nội trở nên ảm đạm. Ngược lại, tại TP Hồ Chí Minh, số người đau mắt đỏ cũng gia tăng nhưng không cản được dân “nghiền” bơi đến bể vùng vẫy.

Hà Nội - Bể bơi đìu hiu

 

Khảo sát một vòng các bể bơi ở Hà Nội, chúng tôi dễ dàng nhận thấy một không khí vắng vẻ khác xa với cảnh huyên náo, chen chúc vẫn thường thấy. Anh Lê Thanh Minh, bảo vệ bể bơi Thái Hà, số 5 Thái Hà cho biết, trước đây mỗi ngày ngày bể bơi này đón khoảng 600- 700 lượt người. Nhưng từ khi dịch đau mắt đỏ xuất hiện số người đến bơi đã giảm hẳn.

 

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các bể bơi khác như Thanh Niên số 1 Tăng Bạt Hổ, Sao Mai số 10 Đặng Thai Mai - Tây Hồ, bể bơi trường Thể thao Thiếu niên 10-10, sau C4 Giảng Võ… Nguyên do khiến các bể bơi Hà Nội trở nên đìu hiu một phần là do dịch đau mắt đỏ.

 

Chị Lê Thu Hà, tập thể Đại học Ngoại ngữ kể: Trước đây khoảng một tháng, mỗi ngày chị đều đến bơi tại Bể bơi Bốn Mùa (số 4 Trần Hưng Đạo), nhưng từ khi có dịch đau mắt đỏ chị không dám đi bơi nữa mặc dù nhân viên ở đây đã thông báo rằng, sẽ quản lý chặt chẽ lượng người ra vào để ngăn chặn nguồn bệnh đem đến từ những người đang bị đau mắt.

 

Tuy nhiên, theo chị Hà dịch đau mắt đỏ rất khó  kiểm soát bởi có những người không còn biểu hiện như sưng tấy, đỏ mắt nhưng mầm bệnh ở mắt thì vẫn còn, vì vậy chuyện giữ được nguồn nước đảm bảo không có vi khuẩn gây đau mắt là điều rất khó, nên tốt nhất là…nhịn bơi và chuyển sang phương pháp vận động khác.

 

Chị Minh Hoà 23 Tân Mai thì kiên quyết bắt cậu con trai vốn rất mê bơi lội phải ỏ nhà vì dù cu cậu khóc ngất đòi đi bơi. “Tôi vốn rất khuyến khích con bơi vì tốt cho sức khoẻ, nhưng thời điểm này, trong tình cảnh “người người đau mắt đỏ”, tôi sợ con đi bơi sẽ bị lây bệnh mới cấm đoán”, chị Hoà cho biết. Không chỉ cấm con đên các bể bơi công cộng, chị Hoà còn rất hạn chế để con đi lại những nơi đông người như bến xe, nhà hàng, siêu thị vì cho rằng đó chính là những địa chỉ dễ lây đâu mắt nhất.

 

Còn anh Mạnh Cường, phóng viên tại một toà soạn báo thì cho biết, anh đã ngừng lịch bơi lội của mình từ 4 tuần nay vì anh sợ lây dịch đau mắt đỏ từ bể bơi. “Nếu chẳng may “dính” phải dịch đau mắt thì thật là phiền hà, tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ nhưng lại gây nhiều phiến phức trong giao tiếp và công việc nên dù có lúc rảnh rỗi muốn đi bơi nhưng lại thôi”- Anh Cường nói.

 

Còn tại bể bơi Đại học Tài chính (Đông Ngạc, Từ Liêm) hàng ngày vẫn “hút” sinh viên xuống bơi nhiều là thế, bây giờ cũng chỉ lèo tèo vài mống. Kim Cẩm Ánh, nhà ngay sát bể bơi cho biết, bình thường mỗi chiều cô đều bơi tại bể này. Bể lúc nào cũng quá tải, người bơi phải chen chúc, muốn dang tay ra bơi cũng khó. Nhưng gần tháng nay, cô tuyệt nhiên không dám “mon men” đến bể bơi vì sợ dịch đau mắt đỏ. “Đang đi bơi quen, phải nghỉ bơi cũng thấy khó chịu lắm, nhưng mình sắp cưới rồi, sợ nhất là “dính” đau mắt đỏ. Không lẽ lại hoãn cưới vì đau mắt?”, Cẩm Ánh tâm sự.

 

Đến bể bơi Học Viện An Ninh, chúng tôi vẫn gặp hai mẹ con chị Tuyết (đường Chiến Thắng, Hà Đông) đang tập bơi. Hỏi chị không sợ lây bệnh đau mắt đỏ nhỡ có người “dính” bệnh vẫn đến hồ bơi? Chị nói, con chị học mãi mới biết biết bơi một chút, chị không muốn đến mùa hè sang năm, con lại phải học bơi từ đầu. Do vậy, chị vẫn quyết định đưa con đến bể bơi dù rất “thấp thỏm” và trang bị cho con từ kính bơi, mang thuốc nhỏ mắt, xà phòng … để ngay khi lên bờ sẽ tắm rửa sạch cho con và nhỏ mắt sát trùng.

 

Quả thực, dịch đau mắt đỏ đã ít nhiều ảnh hưởng đến thói quen của người dân và khiến một số ngành nghề kinh doanh chịu thiệt nhiều  và rõ ràng nhất đấy là là các bể bơi công cộng. Nhân viên các phục vụ tại các bể bơi thì đùa rằng năm nay dịch đau mắt đỏ khiến mùa “thu hoạch” của họ kết thúc sớm.

 

TP Hồ Chí Minh - Vẫn tấp nập

 

Khảo sát một vòng tại bể bơi các quận tại TP Hồ Chí Minh, các bể bơi vẫn đang hoạt động hết công suất, nhộn nhịp trái ngược với không khí đìu hiu tại các bể bơi ở Hà Nội. Tại các bể bơi lớn như bể Phú Thọ (quận 10), bể Lâm Sơn (quận 5)… vào cuối ngày vẫn đông ngẹt khách. “Thật khó có một chỗ thoải mái để sải rộng tay bơi được, sẽ chạm vào người khác đi. Thực sự, đến bể bơi chỉ để… lội, ngụp”, anh Quân đang bơi tại bể Lâm Sơn cho biết.

 

Anh Tạ Long Vĩnh Nam là một dân nghiền bơi. Chiều nào, dù bận đến mấy anh cũng phải ngâm mình trong hồ bơi 30 phút mới thấy dễ chịu. “Tôi làm quản lý khách sạn, công việc bù đầu cả ngày không có thời gian để tập luyện thể dục. Vì vậy, mỗi chiều đều tranh thủ đến hồ bơi cơ thể mới thoả mái, dễ chịu”.

 

Theo anh Nam, anh Quân, đau mắt đỏ ở TP Hồ Chí Minh chưa nhiều, hơn nữa người thường có ý thức phòng bệnh cho mọi người nên sẽ không đến bể bơi. Do vậy, anh vẫn đến hồ bơi thoải mái mà không hề lo sợ.

 

“Trời, lúc đầu nghe đến đau mắt đỏ dễ lây tôi cũng thấy hơi run, nhưng cả một ngày đi làm mệt mỏi, trời thì nóng nực mà không đi bơi chịu sao nổi. Tan sở là tôi cùng mấy bồ đến đây bơi liền, sợ muộn còn không mua được vé vào kìa. Hơn nữa, tôi nghĩ ai bị đau mắt đỏ cũng có ý thức phòng, không nỡ đến hồ bơi để lây bệnh cho người khác đâu”, Minh Nguyệt cho biết.

 

BS Nguyễn Văn Lộc, Phó  Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, đau mắt đỏ do virus rất dễ lây lan nhanh và bùng phát thành dịch. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp, nước bọt. Ở người bị đau mắt đỏ, trong nước mắt có chứa rất nhiều virus và khi bệnh nhân nói chuyện, ho hoặc hắt hơi thì virus sẽ theo nước bọt bắn ra ngoài và lây bệnh cho người khác. Bệnh lây nhanh ở những nơi công cộng, đông dân cư, đặc biệt, hồ bơi là điều kiện lý tưởng để bệnh dịch lây nhanh nếu người bị đau mắt đỏ vẫn đến bể bơi. Virus gây bệnh có trong nước hồ bơi dễ dàng xâm nhập vào mắt và gây bệnh. Do vậy, người bị đau mắt đỏ cần có ý thức hạn chế tới những nơi công cộng như bể bơi, trường học… để tránh lây bệnh cho cộng đồng.   

H.Hải – T.Trầm – N.Phong