Đại dịch Covid-19: Dấu hỏi lớn về khoảng cách an toàn tuyệt đối
(Dân trí) - Giữ khoảng cách 2 mét chắc chắn sẽ làm giảm số lượng giọt bắn mà bạn phải tiếp xúc. Tuy nhiên, mức giảm như thế nào là đủ để chúng ta không bị lây nhiễm là một câu hỏi chưa thể giải đáp.
Trung tâm Phòng chống Bệnh tật Mỹ, khuyến cáo mọi người nên giữ khoảng cách với nhau tối thiểu 2 mét, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19, được xây dựng dựa trên thực nghiệm các giọt bắn cỡ lớn khi con người ho hoặc hắt hơi sẽ rơi xuống đất trong phạm vi này đổ lại.
“Mọi thứ hoàn toàn có thể xảy ra!”, đó là nhận định của TS Harvey Fineberg, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Ông cũng phân tích thêm: “Giữ khoảng cách 1 mét sẽ tốt hơn so với việc đứng sát nhau và giữ khoảng cách 2 mét lại tốt hơn so với 1 mét.
Cũng tại khoảng cách này, hầu hết các giọt bắn lớn đều đã rơi xuống đất. Trong trường hợp bạn giữ khoảng cách xa hơn thì sẽ còn an toàn hơn nữa. Tuy nhiên, 2 mét là một con số hợp lý để dùng cho việc khuyến cáo mọi người, bởi nó cân bằng được cả yếu tố an toàn và tính khả thi”.
Hầu hết các giọt dịch hô hấp cỡ lớn được bắn ra khi người bệnh ho, hắt hơi có thể văng xa khoảng 2 mét. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh được Covid-19 có thể lây qua khí dung, phát hiện này đã khiến vấn đề về “khoảng cách an toàn” đối với Covid-19 trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Dưới góc độ khoa học, khoảng cách để thực sự đảm bảo an toàn sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm hướng gió, tính chất của không gian hay thậm chí là tình trạng sức khỏe. Theo một nghiên cứu mới đây, việc hắt hơi có thể khiến các giọt bắn văng xa hơn nhiều so với khoảng cách 2 mét được khuyến nghị.
TS Michael Osterholm, Đại học Minnesota nhận định: “Việc giữ khoảng cách 2 mét chắc chắn sẽ làm giảm số lượng giọt bắn mà bạn phải tiếp xúc. Tuy nhiên, mức giảm như thế nào là đủ để chúng ta không bị lây nhiễm? Tôi cho rằng đây là một câu hỏi trị giá hàng ngàn tỷ USD mà chúng ta đang chưa thể giải đáp”.
Khí dung đang là một nhân tố đang được nhiều chuyên gia quan tâm, khi xét đến khả năng lây nhiễm của Covid-19. Khí dung là các giọt dịch kích thước nhỏ hơn 5 micron (tương đương với tế bào hồng cầu). Khi trò chuyện hoặc thở, chúng ta sẽ giải phóng ra các giọt dịch hô hấp cỡ nhỏ này. Khí dung vẫn có thể mang đủ tải lượng virus SARS-CoV-2 để lây nhiễm cho những người ở gần.
Điều đáng nói là vì có kích thước nhỏ, khí dung đủ nhẹ để các dòng không khí đưa chúng bay đi khoảng cách xa hơn, so với giọt bắn lớn. Theo tính toán, ngay cả khi không được phóng ra với một lực mạnh như hắt hơi, mà chỉ với các dòng chảy không khí, khí dung chứa virus SARS-CoV-2 vẫn có thể bay xa đến hơn 6 mét. “Trong các không gian hạn chế như văn phòng, phòng họp, cửa hàng…các dòng khí đối lưu có thể mang khí dung chứa virus phát tán đi khắp mọi nơi” – Nhà vật lý học Eugene Chudnovsky – Đại học New York nhận định.
Một nhóm nghiên cứu của Đại học Nebraska đã phát hiện dấu vết vật chất di truyền của virus SARS-CoV-2 trên nhiều bề mặt khác nhau, tại phòng cách ly mà các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 được điều trị, bao gồm cả đường ống dẫn khí nằm cách chỗ bệnh nhân hơn 2 mét.
“Vì kích thước quá bé nên virus này có thể đi nhờ trên các hạt rất nhỏ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ được mối liên quan giữa kích thước vật mang (giọt hô hấp) và khả năng lây lan virus SARS-CoV-2” - TS Harvey Fineberg nhận định. Bên cạnh đó, còn một yếu tố chưa được làm sáng tỏ khác, cũng khiến việc xác định khoảng cách an toàn áp dụng với Covid-19 càng trở nên “mù mờ”, đó là tải lượng virus cần thiết để khiến một người có thể bị nhiễm bệnh.
Cũng chính vì còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ về virus SARS-CoV-2, nên theo ý kiến chung của nhiều chuyên gia, giãn cách xã hội là một giải pháp hiệu quả để mỗi người tự bảo vệ bản thân mình. Giảm số lượng người trong 1 không gian, đồng nghĩa với việc xác suất có người nhiễm Covid-19 trong không gian đó sẽ thấp hơn. Trong trường hợp không may tồn tại người nhiễm bệnh thì số người có nguy cơ bị lây nhiễm cũng sẽ được giảm xuống.
Minh Nhật
The NYT