Da nẻ, môi khô mùa lạnh
(Dân trí) - Theo bác sĩ Nguyễn Thành, trưởng phòng khám Viện Da liễu TƯ, những ngày thời tiết lạnh, hanh khô kéo dài như hiện nay, nguy cơ bị da khô, nứt nẻ, thậm chí nứt chảy máu, đau rát rất hay xảy ra mặc dù thường xuyên dùng kem dưỡng.
“Nứt chân chim”
Cứ đến mùa đông, chị Nguyễn Hải Yến (Thanh Xuân, Hà Nội) lại lo ngay ngáy vì da nứt nẻ. Nhất là những hôm trời có nắng, chủ quan không đeo găng tay, khẩu trang là da chị lại bị căng rát, lộ rõ những đường “nứt” nhỏ.
Còn chị Mai Trang (Đội Cấn, Ba Đình) lại lo nhất là hiện tượng nứt gót chân đến chảy máu của mình. Lắm hôm trời lạnh, chị còn không dám đi tất chân, vì mỗi lần cởi tất, sợi tất bám vào vết nứt khiến chị càng thêm đau đớn. Dù ngày nào chị cũng bôi kem dưỡng ẩm, nhưng tình trạng “nứt chân chim” vẫn không được khắc phục.
Thực tế trong mấy ngày hanh lạnh này, số người đến Viện Da liễu khám, tư vấn về các bệnh khô da, nứt nẻ không ngừng tăng lên. “Nhất là với những người đã có tiền sử bị viêm da cơ địa, các bệnh á sừng, mề đay thì thời tiết lạnh càng làm cho bệnh nặng hơn”, BS Thành cho biết.
Tình trạng khí hậu lạnh, độ ẩm thấp, nhất là khi có nắng hanh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng khô da. Có nhiều người khi đến khám, môi còn xưng vều, chảy máu do bóc những lớp da môi bị bong khô. Đa phần tìm đến bác sĩ với mong tìm được loại kem dưỡng giàu độ ẩm để giữ cho làn da, đôi môi không bị nứt nẻ, “bóc mòn” trong mùa đông.
Giữ da ẩm và sạch
Theo bác sĩ Thành, ngoài vịêc tiếp xúc thường xuyên với xà phòng và các chất tẩy rửa cũng dễ gây kích dị ứng da, nhiều nhất ở hai bàn tay thì khâu vệ sinh rất quan trọng.
Tay: Để tránh hiện tượng khô da, rõ nhất sau khi bạn giặt quần áo, lau rửa toilet bằng chất tẩy… cách tốt nhất là đi găng tay cao su.
Toàn thân: Nên tắm bằng nước ấm có pha một chút muối. Muối sẽ giúp làm dịu tình trạng căng nẻ da hiệu quả. Sau khi tắm hãy bôi kem dưỡng thể giữ độ ẩm cho da.
Gót chân: Với những người bị nứt gót chân, việc ngâm chân bằng nước ấm pha muối loãng mỗi ngày rất quan trọng, làm giảm đau, làm mềm vết nứt. Sau ngâm chân, hãy lau khô, bôi kem dưỡng ẩm và giữ ấm chân bằng một đôi tất mỏng. Vì nếu không đi tất, bụi bặm bám vào lớp kem dưỡng càng làm da thêm nứt nẻ.
Nhưng cũng cần nhớ, sáng hôm sau trước khi đi tất ấm, bạn lại cần phải rửa sạch hết lớp kem cũ và bôi một lớp kem mới. Nếu kiên trì thực hiện như vậy, chắc chắn bạn sẽ giữ được làn da mềm mại, không còn những vết nứt toác. Với kem dưỡng da tay, da chân, bạn nên dùng loại kem dưỡng có nhiều dầu.
Môi: Để môi không bị nứt nẻ, tuyệt đối không liếm môi nhiều vì nước bọt càng làm môi bị khô. Nên sử dụng kem dưỡng môi có thành phần từ tự nhiên để bảo vệ môi khỏi những tác động của thời tiết khô hanh. Hoặc bạn có thể dùng mật ong bôi một lớp mỏng lên môi, nó sẽ rất hữu hiệu để giữ một đôi môi mềm mại. Nếu môi vẫn khô, hãy bôi một lớp son chống nẻ, sau đó nhẹ nhàng chải bong những vảy khô khó chịu trên môi rồi mới bôi lớp kem dưỡng.
Với những trường hợp dù đã bôi đủ các loại kem dưỡng ẩm nhưng những vết nứt vẫn không được khắc phục, có một phần là do bạn chưa vệ sinh da sạch sẽ. Nếu bạn để ý, nhiều khi đôi tay đang bờ lên những vết mốc, nứt, nếu bạn dùng đá kỳ chà sạch ra, những lớp tế bào chết được loại bỏ, bàn tay bạn sẽ đỡ mốc, nẻ hơn.
Khi đã nhớ dưỡng ẩm cho da mặt, bạn cũng đừng quên dưỡng ẩm cho da tay và chân. Mùa đông, khi đi ra ngoài đường vẫn cần che mặt, đeo găng tay, đi tất (nhất là khi có nắng hanh) sẽ làm da bớt khô hơn.
Theo BS Thành, ngoài những biện pháp vệ sinh ở trên thì điều quan trọng nhất vẫn cần đảm bảo uống ít nhất 2 lít nước/ngày. Đặc biệt nước hoa quả, nhất là những loại giàu sinh tố C sẽ rất tốt cho làn da trong mùa khô hanh. Giữ da sạch và ẩm, cung cấp đủ nước cho cơ thể, bạn hoàn toàn có thể tránh tình trạng da mặt nứt nẻ, khô sần.
Được chăm sóc ngay từ đầu, đảm bảo da bạn sẽ không nứt toác như những “vết chân chim” vừa gây đau đớn, vừa khiến bạn mất tự tin.Nhưng thực tế, kem dưỡng chỉ có giá trị một phần, quan trọng là mọi người cung cấp đủ nước cho cơ thể, có như vậy mới giữ được làn da ẩm, đỡ khô nứt trong mùa đông
Hồng Hải