1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

"Đã khống chế được dịch nhưng nguy cơ bùng phát rất lớn"

(Dân trí) - Đây là lời khẳng định của Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn trong cuộc họp ban chỉ đạo ngày 12/11. Nguy cơ lây lan mà Thứ trưởng nói ở đây chính là nguồn nước ở bề mặt vẫn có nhiều vi khuẩn.

Số người nhập viện tích luỹ tính đến thời điểm sáng 12/11 là 1661 người, trong đó có 204 bệnh nhân tả và thêm 1 tỉnh là Thái Nguyên có dịch, nâng tổng số tỉnh lên 14 tỉnh.

 

Tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm hiện cũng không còn cảnh quá tải như mọi khi. Theo Ban giám đốc của bệnh viện, đã có trên 400 trong số 505 bệnh nhân ra viện và chỉ còn chưa đến 100 bệnh nhân đang điều trị.

 

Mặc dù số bệnh nhân giảm và nhiều nơi đã khống chế được dịch nhưng trên thực tế nguy cơ lây lan rất cao.

 

Theo báo cáo của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, tại xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây không chỉ là nơi chuyên cung cấp thịt chó mà còn là nơi cung cấp cho Hà nội một khối lượng lớn bún các loại. Chất thải từ quá trình làm bún và rác bẩn vẫn đọng quanh khu vực này rất nhiều.

 

Đặc biệt là các gánh hàng rong ở đây không hề thực hiện việc che đậy thực phẩm cũng như đeo găng tay khi bán hàng. Bên cạnh đó, người dân ở đây có thói quen sử dụng "nước gạo" (thức ăn thừa bỏ đi) lấy từ Hà Nội để chăn nuôi. Đây chính là con đường rất dễ gây mầm bệnh cho gia súc cũng như làm ô nhiễm môi trường.

 

Về nguồn thực phẩm mắm tôm, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn khẳng định đây vẫn là nguồn gây bệnh nhưng do kỹ thuật của Việt Nam chưa phân lập được nên không thể thấy sự tồn tại của phẩy khuẩn tả trong thực phẩm này.

 

Trong khi phía Bắc đã khống chế được dịch thì nguy cơ lây lan sang các tỉnh miền Nam và Trung là rất cao. Đó chính là lý do  Bộ Y tế đã thành lập 8 đoàn kiểm tra đi đến các vùng lũ lụt miền Trung thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời tuyên truyền và giám sát mạnh mẽ tại các vùng phía Nam.

 

Lan Hương