Cứu "thần kỳ" bé trai bị xe tải tông thẳng vào ngực, mổ xong lại ngừng thở
(Dân trí) - Bị xe tải lớn tông thẳng vào toàn bộ lồng ngực, bé trai được đưa vào bệnh viện ở TPHCM trong tình trạng có thể tử vong bất cứ lúc nào. Sau mổ cấp cứu, có những lúc bệnh nhi tiếp tục ngừng thở.
Bé N.H.Q. (12 tuổi, ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), bị xe ô tô tải lớn tông trực tiếp vào vùng vai cánh tay trái và toàn bộ lồng ngực vào một ngày cuối tháng 8. Sau tai nạn, bệnh nhi được người dân đưa vào khoa Cấp cứu một bệnh viện ở TP Thủ Đức (TPHCM) trong tình trạng tím tái, mạch không có, huyết áp không đo được.
Nhận thấy đây là trường hợp tối khẩn cấp, bệnh nhi có thể tử vong ngay lập tức, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã kích hoạt quy trình báo động đỏ toàn viện. Đầy đủ chuyên gia của các khoa Ngoại tổng quát, Ngoại lồng ngực mạch máu, Ngoại Chấn thương chỉnh hình cùng các bác sĩ Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức và Chẩn đoán hình ảnh được tập trung khẩn để phối hợp cấp cứu bệnh nhi.
Bỏ qua thủ tục hồ sơ hành chính, bệnh nhi được đưa ngay lên phòng mổ.
Chưa đầy 5 phút, ê-kíp điều trị đã xác định bé trai bị tổn thương dập phổi, tràn khí và máu màng phổi hai bên, vết thương dập nát, đứt động mạch tay trái, lóc rộng vùng đùi trái. Các bác sĩ nhanh chóng phối hợp xử trí, vừa hồi sức cấp cứu vừa mổ dẫn lưu khí màng phổi, kết hợp quy trình truyền máu tối khẩn.
Sau 3h trong phòng mổ, các dấu hiệu sự sống của bệnh nhi bắt đầu ổn định, huyết áp hồi phục và được tiến hành ghép mạch máu bị đứt.
Hậu phẫu, bệnh nhi được chuyển xuống khoa hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê, vẫn phải thở máy liên lục, sốt kéo dài do tình trạng phổi tổn thương nặng nề, bắt đầu xuất hiện dấu hiệu nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Đặng Văn Đạt, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp của bệnh viện, người trực tiếp tham gia điều trị chia sẻ, quá trình hồi sức, có những lúc bệnh nhi tiếp tục ngừng tim, ngừng thở, quy trình báo động đỏ lại được kích hoạt lần thứ hai.
Trong 3 tuần điều trị nằm viện, bệnh nhi tiếp tục được cắt lọc vết thương hoại tử và tiến hành ghép da. Nhờ vậy, sức khỏe bé đã dần ổn định. Đến nay sau quá trình điều trị tích cực lâu dài, bệnh nhi được xuất viện trong niềm vui, xúc động của các y bác sĩ lẫn gia đình.
Bác sĩ Đạt cho biết, với quy trình báo động đỏ được xây dựng chặt chẽ, khi được kích hoạt sẽ giúp bệnh viện tập trung trí tuệ cao nhất và thời gian nhanh nhất, từ đó tăng thêm cơ hội sống của người bệnh nguy kịch.