Thừa Thiên - Huế:
Cứu sống thai nhi trong cơ thể người mẹ đã chết
(Dân trí) - Hành động theo bản năng, phản xạ nhanh và trên hết là trái tim hết lòng vì người bệnh, bác sĩ Bạch Ngõ, bệnh viện TƯ Huế đã cứu sống thành công một thai nhi từ người sản phụ đã chết. Cháu bé chào đời hoàn toàn khỏe mạnh dù cân nặng chưa đầy 2kilô.
Mổ cứu con ngay tại chân cầu thang
Tầng 1 khoa Sản - nơi BS Bạch Ngõ quyết định mổ bắt con tại chỗ trên cơ thể người mẹ không còn sự sống
Sáng sớm ngày 26/11, chị P.T.K (35 tuổi, trú tại huyện Quảng Điền) vào Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch khi mang thai ở tuần thứ 35 trong tình trạng bị sốt cao, suy tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, chèn ép tim cấp, nhồi máu cơ tim.
10h30 phút, một cuộc hội chẩn nhanh giữa BS. Nguyễn Cửu Lợi, trưởng khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch với BS Bạch Ngõ (trưởng ca trực khoa Sản) với anh H.V.D. (chồng chị K.). Anh D. đã đồng ý với phương án nếu vợ lên cơn đau tim đột ngột trong lúc đẻ và tử vong thì các bác sĩ được mổ lấy thai nhi ngay lập tức.
11h30 phút, chị K. rơi vào tình trạng rất nguy kịch, huyết áp tụt, mạch yếu dần. Sau khi tích cực hồi sức cấp cứu tim không thành, bệnh nhân đã từ trần. Tức tốc như bay di chuyển bệnh nhân trên băng ca, các BS tại khoa Cấp cứu - Can thiệp Tim mạch đã chuyển kịp người mẹ đã không còn sự sống sang Khoa Sản.
BS Bạch Ngõ |
Niềm vui vỡ òa trên gương mặt bà nội cháu. Chỉ kịp nhìn thấy mặt bé một phút thì các nữ hộ sinh khoa sản đã bồng cháu đi rửa người và chuyển tiếp vào lồng kính để thở. Người cha khóc bên xác vợ còn ấm, miệng cười trong nước mắt vì con đã được cứu sống.
Trước lúc đưa xác vợ về nhà, gạt nước mắt tạm biệt con, anh Duy đã đặt tên cho bé là Cẩm Tú.
Mẹ đột tử - Con rất nguy hiểm
“Tôi chỉ thấy còn nước còn tát, lương tâm tôi không thể đứng nhìn cảnh mẹ chết rồi con chết theo. Từ lúc người mẹ từ trần, chúng tôi chỉ có đúng 15 phút để cứu bé và phải cứu càng nhanh càng tốt. Vì nếu cứu trễ có khả năng bé sẽ bị các biến chứng sau này”, BS Ngõ nói.
“Nếu sản phụ chết, theo nguyên tắc không được cho vào phòng mổ mà chỉ xuống nhà xác. Đến lúc đó con sẽ chết. Tôi đã liều để cứu đứa bé. Sẽ rất đáng tiếc khi thấy mình có khả năng mà không giúp cháu. Vì vậy chúng tôi đã hội ý với nhau giữa 2 khoa để cứu sống cháu bằng mọi cách”, BS Ngõ cho biết thêm.
Theo lời BS Ngõ, vài chục năm trước có một bệnh nhân bị nhiễm độc thai nghén và tử vong, em bé cũng được cứu nhưng do lấy ra chậm nên lớn lên đã bị các biểu hiện của chứng thần kinh. Cách đây 2 năm, có một bệnh nhân tắc mạch ối (một bệnh nguy hiểm tính mạng sản phụ hơn cả bệnh tim) đã chết ngay trong phòng mổ dù các BS đã cố gắng hết sức…
“Người mẹ bị đột tử trong lúc sinh rất nguy hiểm cho cháu bé, cơ hội sống của cháu là rất ít và các bác sĩ có rất ít thời gian cũng như khả năng để mổ thành công. Tuy nhiên cháu bé này là một trường hợp đặc biệt khi đến nay đã rất khỏe mạnh”, BS Ngõ tâm sự.
Cháu Cẩm Tú đang điều trị trong lồng kính ở khoa Nhi nay đã khỏe mạnh
Bé Cẩm Tú đang nằm tại phòng điều trị Nhi sơ sinh thuộc khoa Nhi. BS Đinh Quang Tuấn, trưởng khoa Nhi dẫn chúng tôi vào thăm bé. Bé đã có sức khỏe tốt, uống sữa nhiều và khóc rất to. Đây được coi là một điều kỳ diệu đối với cháu vì theo các BS, ít có trường hợp nào khi mẹ chết mà được cứu sống và khỏe mạnh như cháu.
Nhưng bên cháu vẫn chưa có người thân nào kể từ ngày mẹ mất vì nhà đang lo đám cho mẹ và hoàn cảnh quá nghèo khó. Khoảng 3 ngày nữa, anh Duy sẽ lên thăm con. Được biết, anh đang chạy vạy khắp nơi để có tiền mua sữa cho đứa con gái bé bỏng vì nhà không còn gì đáng giá ngoài bức tường trơ gạch, chiếc giường và vài cái ghế. Nghề chính của anh là bắt tôm tép ngoài đồng bán. Hiện anh phải nuôi 3 miệng ăn gồm mẹ ruột, mẹ vợ đang rất yếu và một con gái 3 tuổi.
Đại Dương