1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cứu sống ngoạn mục người đàn ông đã "bước chân sang thế giới bên kia"

(Dân trí) - Trải qua 30 phút ép tim, sốc điện 14 lần, trái tim người bệnh vẫn không đập trở lại. Đến lần sốc điện thứ 15 trong sự tuyệt vọng của gia đình vì "chồng tôi chết rồi", trái tim bệnh nhân hồi sinh.

Đến giờ, khi đã qua nguy kịch, bệnh nhân Nguyễn Trường Lưu nhiều khi vẫn không tin mình đã trở lại cuộc sống, khi nghe gia đình kể lại quãng thời gian cấp cứu ép tim 30 phút trên giường bệnh, người ông vẫn thẳng đơ.

Cách đó 20 ngày, vào chiều ngày 19/6/2020, khi ông Nguyễn Trường Lưu vừa đi xe máy từ Hà Nội về Thái Nguyên, đến nhà là xuất hiện cơn đau ngực, vã mồ hôi. Cơn kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ.

Cứu sống ngoạn mục người đàn ông đã bước chân sang thế giới bên kia - 1
Người đàn ông đã "bước một chân sang thế giới bên kia" được hồi sinh ngoạn mục.

Gia đình đã đưa ông Lưu đến Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên. Vừa đến phòng cấp cứu, ông Lưu đột ngột xuất hiện tím tái, ngừng tuần hoàn. Ngay lập tức, các các bác sĩ trực tại Khoa Cấp cứu, Viện Gang thép Thái Nguyên tiến hành hồi sức tim phổi, hỗ trợ hô hấ, tiêm thuốc, ép tim liên tục trong gần 30 phút nhưng vẫn không có mạch.

Vừa cấp cứu bệnh nhân, trưởng kíp trực, BS Nguyễn Tá Tâm vừa kết nối điện thoại đến Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai để xin hội chẩn.

Các chuyên gia Viện Tim mạch đánh giá bệnh nhân Lưu bị ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp và cần tiếp tục vừa ép tim vừa sử dụng thuốc tiêu huyết khối.

Sau khi tiêm thuốc huyết khối và tiếp tục ép tim 5 phút, bệnh nhân bắt đầu có mạch trở lại.

Tuy nhiên ngay sau đó, nhịp tim của bệnh nhân có sự rối loạn nặng, xuất hiện các cơn rung thất, nhanh thất liên tục. Lại điện chẩn khẩn cấp, lúc này chỉ định vẫn là sốc điện và ép tim.

Theo quy định, sau 4-5 lần sốc điện và 30 phút ép tim mà không có dấu hiệu sinh tồn, việc cấp cứu bệnh nhân coi như thất bại.

Nhưng với  quyết tâm còn nước còn tát, các biện pháp về hồi sức tích cực vẫn được tiến hành thông qua điện chẩn giữa hai bệnh viện.

Vừa ép tim, vừa sốc điện đến lần thứ 14 tim vẫn chưa đập trở lại. Nhưng đến lần sốc điện thứ 15, rối loạn nhịp thất nguy hiểm đã qua, bệnh nhân tạm ổn định.

Đánh giá diễn biến bệnh nhân phức tạp do tình trạng nhồi máu cơ tim cấp sau cấp cứu biến chứng ngừng tuần hoàn, Viện Tim mạch Bạch Mai phối hợp mời thêm các bác sĩ Khoa Cấp cứu A9 để hội chẩn liên viện.

Các chuyên gia quyết định chuyển bệnh nhân Nguyễn Trường Lưu lên Bệnh viện Bạch Mai.

Trong quá trình bệnh nhân được chuyển lên từ Thái Nguyên, tại BV Bạch Mai, các bác sĩ cấp cứu A9 chuẩn bị sẵn phương án hạ thân nhiệt chỉ huy để ứng phó với việc bệnh nhân đã ngừng tim 30 phút, cần một hệ thống để tái duy trì chỉ số hoạt động của não bộ. ECMO sẵn sàng để ứng phó với tình trạng huyết động. Tại Viện Tim mạch, bóng đối xung động mạch cũng sẵn sàng nhằm hỗ trợ huyết động trong khi can thiệp

Xe cứu thương vừa đến cổng A9, bệnh nhân lập được tiếp các bác sĩ Khoa Cấp cứu A9 và Viện Tim mạch tiếp nhận để đánh giá các chỉ số sinh tồn.

Theo đánh giá, dù đã trải qua gần 1 giờ ngừng tuần hoàn nhưng tri giác của bệnh nhân lưu khá tốt: có phản xạ với kích thích đau, có huyết áp nhờ được duy trì thuốc, nhịp tim rối loạn nặng; Tuy nhiên kết quả chụp động mạch thì vẫn hẹp 99% động mạch vành phải. Nếu không được đặt stent thì bệnh nhân sẽ phải đối mặt với 2 nguy cơ: thiếu máu và bệnh nhân sẽ tử vong.

PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch chỉ định bệnh nhân cần được can thiệp càng sớm càng tốt.

Sau khi được ổn định hô hấp, huyết động, bệnh nhân nhanh chóng chuyển sang Phòng Can thiệp.

Với kết quả tổn thương nặng 3 thân động mạch vành, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp đặt 1 stent. 

Giải quyết được nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp, bệnh nhân lại đối mặt với diễn tiến suy thận do bị ngừng tuần hoàn quá lâu. Vì thế, ngay sau khi can thiệp tim mạch, bệnh nhân được chuyển tiếp lên Khoa Hồi sức tích cực và trải qua 7 ngày bác sĩ canh từng phút không ăn, không ngủ theo dõi ca bệnh 24/24 giờ.

Sau 7 ngày tích cực điều trị, các chỉ số về dần ngưỡng cơ bản, bệnh nhân Lưu được rút ống nội khí quản và không cần lọc máu.  

Vợ bệnh nhân chia sẻ, thấy chồng nằm bất động sau bao nỗ lực cấp cứu, bà nghĩ ông đã "đi" rồi, đã bước một chân sang thế giới bên kia. Nhờ những nỗ lực cấp cứu của y bác sĩ hai viện đã mang chồng bà trở lại cuộc sống.

Hồng Hải