Cứu sống bệnh nhi nguy kịch sau phẫu thuật tim lần 2
(Dân trí) - Hai năm sau phẫu thuật can thiệp bệnh tim bẩn sinh, bé gái 3 tuổi đã phải nhập viện trở lại với bệnh cảnh diễn tiến rất nặng. Sau cuộc phẫu thuật lần thứ hai, bệnh nhi rơi vào nguy kịch, nhờ kỹ thuật ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể), bác sĩ đã cứu sống được cháu bé.
Ngày 20/12, thông tin từ BS Lê Thành Khánh Vân, Phó khoa Hồi sức Phẫu thuật tim, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại đây vừa cứu sống thành công một trường hợp diễn tiến nặng sau phẫu thuật.
Bệnh nhi là bé Trịnh Phương N. (3 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM). Cháu được gia đình chuyển đến Chợ Rẫy trong tình trạng, tím môi, đầu của các ngón chân - tay tím tái, tình trạng tím trở nên nghiêm trọng hơn mỗi khi bệnh khi khóc.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, bé có tiền sử tim bẩm sinh với chẩn đoán tứ chức Fallot. Năm 2013, bé đã được phẫu thuật nối mạch (Blalok Taussig Shunt) tạm thời tại bệnh viện Nhi Đồng 1. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật trên chưa can thiệp tứ chứng Fallot nên gần đây, bệnh của bé trở nặng.
Qua thăm khám lâm sàng và các kết quả xét nghiệm, bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy xác định, bệnh nhi mắc hội chứng Di George, mất đoạn nhiễm sắc thể 22, vị trí 22q11.2 gây các dị tật bẩm sinh: khuyết tật tim, thông liên thất, thân chung động mạch, tứ chứng Fallot; khuyết tật tuyến ức: suy miễn dịch, dễ nhiễm trùng; khuyết tật tuyến cận giáp, giảm tiết hoóc-môn cận giáp dẫn đến giảm canxi và phốt pho trong máu; khuyết tật mặt, chẻ hàm và khe môi, mặt dài, tai nhỏ và thấp, 2 mắt xa nhau, mắt bụp, môi trên mỏng và có rãnh ngắn; trí não, rối loạn phát triển, rối loạn hành vi, học tập và ngôn ngữ kém, rối loạn tập trung, tự kỷ; khuyết tật về thính giác, giảm thị giác, chức năng thận kém, thể trạng thấp bé.
Nếu không can thiệp sớm, tình trạng suy tim sẽ diễn tiến nặng khiến bệnh nhi tử vong. Sau hội chẩn, bác sĩ đã quyết định thực hiện ca phẫu thuật cột B-T Shunt, vá thông liên thất, mở rộng đường ra thất phải gồm van và thân động mạch phổi. Sau 13 giờ trên bàn mổ, bác sĩ đã thực hiện thành công các thủ thuật trên cho bệnh nhi. Tuy nhiên, đây là ca bệnh rất nặng nên trong quá trình hồi sức hậu phẫu, chức năng co bóp cơ tim kém, huyết áp và mạch không ổn định, việc cai máy tim phổi trở nên khó khăn, nguy cơ tử vong ở bệnh nhi rất cao.
Trước mối nguy đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của bệnh nhi, các bác sĩ đã hội ý và quyết định áp dụng kỹ thuật ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể) với hy vọng sớm giúp bé vượt qua nguy kịch. Ngay sau đó, bệnh nhi được đặt ECMO trung tâm, để hở xương ức. Sau 4 ngày đặt ECMO và theo dõi sát các chỉ số sinh hiệu, tình trạng bệnh nhi bình phục ngoài cả sự mong đợi, chức năng tim co bóp tốt, cháu được cai ECMO. Hơn 1 tuần sau, bệnh nhi tiếp tục cai máy thở thành công. Sau 24 ngày chăm sóc, điều trị tích cực tại bệnh viện, bé đã được xuất viện trong niềm vui của bác sĩ và gia đình.
BS Khánh Vân cho biết, đây là trường hợp bệnh nhi đầu tiên được ứng dụng thành công phương tiên hiện đại ECMO trong hỗ trợ sau phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh phức tạp, trên cơ sở kết hợp giữa các chuyên khoa sâu. Thành công của ca bệnh sẽ mở ra hướng mới, hiệu quả trong việc cứu chữa cho những ca bệnh nặng và khó.
Vân Sơn