1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế:

Cứu sống bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn nặng đe dọa tử vong

(Dân trí) - Ngày 4/7 theo tin từ Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế (TP Huế) cho biết đã điều trị tích cực, cứu sống bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn nặng tiêu điểm từ đường tiết niệu (sỏi niệu quản 2 bên gây tắc biến chứng nhiễm khuẩn, sốc nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng).

Theo đó, bệnh nhân Hoàng Trọng L. (48 tuổi, quê Thanh Hóa, làm việc tại Huế) nhập viện ngày 17/6 tại Trung tâm Cấp cứu – Đột qụy Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế vì sốt cao, rét run. Bệnh khởi phát trước đó hai ngày với sốt cao, mệt lả, đau toàn bụng trội hơn ở bên trái và buồn nôn, nôn; không có rối loạn tiểu tiện nhưng đại tiện lỏng.

Ghi nhận lúc vào viện, bệnh nhân sốt cao 40 độ C, và có biểu hiện sốc với mạch nhanh 140 lần/phút, huyết áp tụt kẹt và giao động 75/50 – 90/60 mmHg, nhịp thở nhanh khoảng 25 lần/phút.

Bệnh nhân được chẩn đoán tại Phòng cấp cứu là bị sốc nhiễm khuẩn, được chuyển ngay vào điều trị tại Đơn vị điều trị tích cực (ICU) thuộc Khoa Gây mê – Hồi sức.  Tại đây bệnh nhân được làm các xét nghiệm máu cho thấy toan máu, suy thận, sỏi niệu quản 2 bên (thấy trên siêu âm và chụp cắt lớp vi tính vùng bụng). Bệnh nhân được điều trị tích cực với kháng sinh mạnh, bù dịch, thuốc vận mạch nhưng trong những giờ đầu tình trạng diễn biến xấu hơn, đe dọa tử vong do nhiễm khuẩn nặng.

Cứu sống bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn nặng đe dọa tử vong - 1

2 ống thông dẫn lưu đã được đặt qua nội soi ngược dòng từ bàng quang lên thận, giúp dẫn lưu nước tiểu nhiễm trùng tại hai thận.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS, Acute Respiratory Distress Syndrome) và suy đa tạng do sốc nhiễm khuẩn có tiêu điểm từ đường tiết niệu (tắc nghẽn niệu quản 2 bên do sỏi niệu quản). Các bác sĩ đã quyết định vừa hồi sức vừa mổ nội soi đặt 2 ống thông đường tiết niệu để dẫn lưu nước tiểu nhiễm khuẩn ứ tại 2 thận. Thực hiện ca mổ cấp cứu là ThS.BS Lê Đình Đạm, phẫu thuật viên Khoa Ngoại Tiết niệu - Thần kinh; bệnh nhân được gây mê bởi PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Trưởng Khoa Gây mê - Hồi sức. Sau khi  2 ống thông được đặt lên thận, nước tiểu mủ đục chảy theo ống xuống bàng quang, giải phóng được tắc nghẽn cho 2 quả thận.

Cứu sống bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn nặng đe dọa tử vong - 2

ThS.BS. Lê Đình Đạm thực hiện ca mổ cấp cứu

Bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa tích cực sau mổ, tình trạng cải thiện dần, hết sốt sau 3 ngày. Sau 7 ngày “chiến đấu với tử thần”, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ đã giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Đưa dây dẫn đường lên thận qua chỗ tắc nghẽn, nước tiểu mủ đục chảy theo ống xuống bàng quang, giải phóng được tắc nghẽn cho 2 quả thận 

Sau khi tình trạng ổn định, bệnh nhân được chuyển về Khoa Ngoại Tiết niệu – Thần kinh điều trị thông thường, được cho xuất viện gần đây, và được hẹn tái khám sau 4 tuần để xử lý triệt để các viên sỏi niệu quản (là yếu tố thuận lợi dẫn đến nhiễm khuẩn thận).

Theo người nhà bệnh nhân L. qua nhiều ngày hôn mê vì bệnh nặng, anh L. đã được cứu sống bởi sự tận tình tận tâm của y bác sĩ tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế.

PGS.TS. Lê Đình Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu – Thần kinh cho biết, nhiễm khuẩn cấp tính ở thận, từ chuyên môn là “viêm thận – bể thận cấp” là một bệnh lý nặng, do các loại vi khuẩn như E. Coli, Enterobacter gây ra. Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn nặng này như tắc nghẽn đường tiết niệu, trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên thận… trong đó sỏi niệu quản là yếu tố thuận lợi hay gặp nhất.

Các trường hợp viêm thận – bể thận  tắc nghẽn cấp tính do sỏi niệu quản rất dễ dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và tử vong do nhiễm khuẩn nặng, suy đa tạng, suy hô hấp cấp. Tỷ lệ sốc nhiễm khuẩn lên đến 15% theo các nghiên cứu gần đây trên thế giới. Để điều trị bệnh cảnh này cần có sự phối hợp tích cực giữa nội khoa – ngoại khoa – hồi sức; bao gồm kháng sinh mạnh liều cao phối hợp, mổ cấp cứu dẫn lưu đường tiết niệu bằng đặt ống dẫn lưu thận qua da hoặc ống thông niệu quản ngược dòng lên thận để dẫn lưu nước tiểu mủ, và hồi sức tích cực nếu bệnh nhân có biểu hiện sốc bằng truyền dịch, thở oxy qua ống nội khí quản, thuốc trợ tim và vận mạch.

Dấu hiệu khi người dân thấy đau vùng thắt lưng một bên (đau quặn thận), sốt cao rét run, mệt lả là những triệu chứng lâm sàng đầu tiên của viêm thận - bể thận cấp do tắc nghẽn do sỏi niệu quản thì người dân cần đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời và đúng phương pháp nhằm kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn, tránh biến chứng nặng hơn cho thận và các cơ quan khác, nguy hiểm đến tính mạng.

Cứu sống bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn nặng đe dọa tử vong - 3

Thăm khám bệnh nhân tại Khoa Ngoại Tiết niệu - Thần kinh Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế

Trao đổi với Dân trí, PGS. TS. Nguyễn Khoa Hùng, quyền Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế cho hay, hiện phác đồ điều trị đối với các trường hợp viêm thận – bể thận cấp do tắc nghẽn do sỏi như trên đã được áp dụng thường quy tại Bệnh viện từ gần 5 năm trở lại đây, đã giải quyết hiệu quả cho gần 100 bệnh nhân, trong có có một số trường hợp nặng đe dọa tính mạng như bệnh nhân L. nói trên.

Đại Dương