1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cuộc sống tính từng ngày của cô giáo bị ung thư phổi do khói thuốc

(Dân trí) - Cách đây 4 năm, khi mới phát hiện ung thư phổi, cô giáo, người mẹ của 2 con thơ tưởng như gục gã bởi nguyên nhân được bác sĩ nghĩ đến nhiều nhất là do khói thuốc thụ động.

Theo chương trình, chị Nguyễn Thị Hương, mẹ của hai con nhỏ (17 tuổi và 10 tuổi) sẽ xuất hiện ở buổi họp báo phòng chống tác hại của thuốc lá với chủ đề “Hãy bảo vệ mình và những người thân yêu” do Bộ Y tế phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chiều 6/12.

Tuy nhiên, vào phút cuối, chị đã không thể đến được do sức khỏe quá yếu, bác sĩ không thể đảm bảo chị có thể rời khỏi phòng bệnh. Nhưng phóng sự ghi lại về cô giáo trẻ chống chọi với ung thư phổi khiến nhiều người rơi nước mắt.

Chị Hương muốn dùng câu chuyện của mình để cảnh tỉnh những người đang hút thuốc, để kêu gọi sự mạnh mẽ hơn nữa từ chị em phụ nữ để bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình, của con cái.
Chị Hương muốn dùng câu chuyện của mình để cảnh tỉnh những người đang hút thuốc, để kêu gọi sự mạnh mẽ hơn nữa từ chị em phụ nữ để bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình, của con cái.

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hương, được phát hiện ung thư phổi cách đây 4 năm. Khi bác sĩ nói, chị bị ung thư phổi, nguyên nhân được nghĩ đến nhiều nhất là do khói thuốc thụ động.

Nghe bác sĩ nói, chị Hương rụng rời. Bởi chị chưa bao giờ hút thuốc, cũng chưa bao giờ nghĩ khói thuốc mà chồng, những người xung quanh vẫn hút hàng ngày lại là căn nguyên khiến chị phải đối mặt với cuộc chiến giành sự sống do căn bệnh ung thư phổi quái ác. Chị lo lắng cho hai con nhỏ, bởi ở quê, người lớn phì phèo điếu thuốc trước mặt trẻ con là chuyện bình thường.

Đang từ một cô giáo khỏe mạnh, dạy giỏi, sau mỗi giờ dạy học về chăm lo cho gia đình, dạy dỗ các con, cuộc sống của chị Hương thay đổi hoàn toàn từ khi mắc ung thư phổi. Đó là những đợt truyền hóa chất đến nôn mửa, đầu trọc lốc vì tác dụng của thuốc, không còn đủ sức khỏe để lên lớp dạy học.

Đã có lúc, chị phải làm thêm nhiều công việc khác như may ga gối, bán hàng tạp hoá... Kinh tế gia đình giảm sút nhanh chóng, không chăm lo được các con, trong khi cuộc chiến với căn bệnh ung thư thì vẫn chưa có hồi kết…

Đến nay, khi bước sang năm thứ 4 điều trị hóa chất, tia xạ và thuốc đích, không có thêm tia sáng bởi cơ thể chị đã kháng thuốc.

Một tháng trờ lại đây, cách 10 ngày chị lại phải vào viện để hút dịch từ phổi. Tế bào ung thư đã lan sang lá phổi còn lại của chị.

“Lẽ ra theo kế hoạch, chị Hương đã có mặt tại đây. Chị muốn đối diện, muốn dùng chính hình ảnh của mình để kêu gọi các bà mẹ, những người phụ nữ hãy mạnh mẽ hơn nữa trong việc yêu cầu những người xung quanh ngừng hút thuốc, để không có thêm bất cứ người phụ nữ, trẻ em nào phải gánh chịu bệnh tật, nỗi đau do thuốc lá thụ động gây ra. Nhưng giờ này, chị vẫn đang tiếp tục cuộc chiến của mình, đang đau đớn trên giường bệnh”, bà Trần Thị Hương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết.

Theo bà Hương, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể phải đối mặt với những tình huống tương tự, dù là người đang hút thuốc hay là người đang sống trong môi trường có khói thuốc. Từ câu chuyện của cô giáo đầy nghị lực, bà Hương mong muốn những người phụ nữ hãy biết bảo vệ mình và những người thân yêu khỏi khói thuốc độc hại.

Hút thuốc là lấy dần đi sức khỏe của người thân

Xem xong clip về người phụ nữ trẻ 4 năm chống chọi với bệnh ung thư phổi, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, đã cung cấp thêm nhiều thông tin minh chứng cho việc không trực tiếp hút thuốc, nhưng ngửi khói thuốc thụ động cũng độc hại không kém người hút thuốc.

PGS Khuê dẫn chứng về nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO cho thấy, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Lượng khói thuốc mà người hút thuốc thải ra không khí xung quanh gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điều thuốc một ngày.

Con số 600 nghìn người trên toàn cầu chết vì khói thuốc thụ động vào năm 2010, trong đó, phụ nữ chiếm tỉ lệ lớn nhất mà WHO công bố là một lời cảnh báo.

Bệnh thiếu máu cục bộ tim, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, hen suyễn và ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất của người chết liên quan đến khói thuốc lá. Tiếp xúc với khói thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh như hút thuốc lá chủ động.

Tại Việt Nam, dù chỉ có 1,6% phụ nữ hút thuốc nhưng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 9,5% ca tử vong ở phụ nữ trưởng thành. Điều này cho thấy phu nữ Việt đang phải chịu rủi ro rất lớn về bệnh tật và khả năng tử vong do phơi nhiễm với khói thuốc lá. Hút thuốc lá thụ động làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi lên 30% và bệnh tim mạch vành lên 25%.

Trong khi đó, Việt Nam nằm trong nhóm những nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới với tỷ lệ hút thuốc thụ động trong nhà là hơn 53% (28,5 triệu người), tại nơi làm việc là gần 37%, trường học là 16%.

Phát biểu tại buổi họp báo, ngài Jose’ Luis Castro, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức Sức khỏe toàn cầu Vital Strategies cho biết, ông cảm động trước nghị lực, lòng quyết tâm phi thường của cô giáo trẻ muốn dùng câu chuyện của mình để thức tỉnh những người hút thuốc lá. Chị là một nạn nhân của khói thuốc lá thụ động. Chồng chị đã ngừng hút thuốc khi biết vợ ung thư, nhưng không thể trả lại một sức khoẻ tốt cho chị.

"Tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi, nhưng chị vẫn muốn cảnh báo để bảo vệ sức khỏe của phụ nữ trẻ em. Thuốc lá có thể lấy đi cuộc sống của chị, nhưng câu chuyện của chị là hồi chuông cảnh tỉnh những người đang hút thuốc. Rằng nếu hút thuốc, họ đang dần lấy đi cuộc sống của những người thân của mình", ngày Jose' Luis Castro cảnh báo.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm