Cuộc đua cân não phía sau những liều vắc xin "quý hơn vàng"

Vân Sơn Phạm Nguyễn

(Dân trí) - Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á tiếp cận được nguồn vắc xin Covid-19. Để có được lô vắc xin "quý hơn vàng" này là cuộc chạy đua cân não của các bên liên quan.

Cuộc đua cân não phía sau những liều vắc xin "quý hơn vàng"

Dịch Covid-19 bùng phát dữ dội trên toàn cầu khiến nền kinh tế rơi vào cuộc khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng. Các quốc gia đều nỗ lực không ngừng nghỉ trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh, giải pháp sử dụng vắc xin được xem là phương án tối ưu nhất để sớm đầy lùi, khống chế và dập tắt hoàn toàn dịch bệnh.

Cuộc đua cân não phía sau những liều vắc xin quý hơn vàng - 1
Lô vắc xin "quý hơn vàng" đã có mặt ở Việt Nam.  
Cuộc đua cân não phía sau những liều vắc xin quý hơn vàng - 2
Tại Việt Nam, cùng với những phương án đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vắc xin trong nước Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Y tế cùng các ban ngành, đơn vị liên quan chủ động đi tắt đón đầu để có được sớm nhất nguồn vắc xin Covid-19 đã nghiên cứu thành công có hiệu quả miễn dịch cao từ các quốc gia khác trên thế giới.  
Cuộc đua cân não phía sau những liều vắc xin quý hơn vàng - 3

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: "Sau rất nhiều cuộc họp giữa Chính phủ, Bộ Y tế và các đơn vị, chúng tôi đã thống nhất được các điều khoản liên quan, hợp đồng mua lô vắc xin Covid-19 từ AstraZeneca được thông qua vào "phút 89"".  

"Hôm đó đã vào nửa đêm, chúng tôi đã đặt bút ký thành công hợp đồng mua 30 triệu liều vắc xin khi chỉ còn 1 giờ nữa là đơn vị sẽ khóa sổ. Sau thời điểm này nếu muốn kết nối để tiếp cận với nguồn hàng sẽ trở nên rất khó khăn, mức giá chênh lệch có thể khiến chúng ta tốn thêm rất nhiều tiền", Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường kể lại.

Cuộc đua cân não phía sau những liều vắc xin quý hơn vàng - 4
Ngày 24/2, sau khi lô vắc xin đầu tiên được vận chuyển qua đường hàng không hạ cánh an toàn và chuyển đến kho bảo quản, Thứ trưởng Trương Quốc Cường thở phào nhẹ nhõm: "Chúng tôi đã có một quyết định rất táo bạo và liều lĩnh nhưng đến nay đã mang lại thành quả tốt đẹp. Với nguồn vắc xin Covid-19, cuộc chiến chống dịch của chúng ta đang có những điều kiện thuận lợi để đi đến chiến thắng".
Cuộc đua cân não phía sau những liều vắc xin quý hơn vàng - 5
Việc Việt Nam đàm phán thành công và nhập được vắc xin Covid-19 là điểm nhấn thu hút sự quan tâm của rất nhiều quốc gia trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây không phải là sự ngẫu nhiên mà là cuộc chạy đua cân não kèm thêm sự may mắn.

Thứ trưởng Quốc Cường cho biết, các đơn vị nghiên cứu về vắc xin trên thế giới đều yêu cầu những quốc gia có nhu cầu mua phải đặt cọc ngay trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm.

Nếu quá trình nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thành công các quốc gia đã đặt cọc sẽ được ưu tiên mua trước nhưng nếu thất bại thì các khoản đặt cọc sẽ xem như phục vụ cho quá trình nghiên cứu, thử nghiệm đồng nghĩa với mất trắng.

Trong thời điểm Việt Nam đạt được thỏa thuận mua vắc xin từ AstraZeneca chưa có đơn vị nào công bố thành công nên tất cả đều hồi hộp chờ đợi. Đến nay, vắc xin của nhiều hãng dược trên thế giới không đạt được hiệu quả như mong đợi nhưng may mắn đã đứng về phía Việt Nam khi vắc xin của AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ cao.

Cuộc đua cân não phía sau những liều vắc xin quý hơn vàng - 6

Chia sẻ về sự thành công trên, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) cho biết: "Qua nhiều vòng thẩm định về kho lạnh, tiêu chuẩn của hệ thống tiêm chủng vắc xin cũng như nguồn lực tài chính, đối tác mới chấp nhận để VNVC phân phối vắc xin về Việt Nam. Khi ký hợp đồng này, chúng tôi đã phải đặt cọc số tiền hơn 650 tỷ đồng, bên cạnh đó là các khoản đầu tư cho hệ thống kho bảo quản tổng giá trị lên tới gần 1.000 tỷ đồng".

Cuộc đua cân não phía sau những liều vắc xin quý hơn vàng - 7
Đây là một con số không hề nhỏ đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, Với sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Y tế, VNVC đã đạt được thỏa thuận phân phối và chính thức đưa vắc xin từ AstraZeneca về Việt Nam sớm hơn so với dự kiến.  
Cuộc đua cân não phía sau những liều vắc xin quý hơn vàng - 8
Ngay sau khi được nhập về Việt Nam, vắc xin AstraZeneca đã được đưa về kho bảo quản của Hệ thống Tiêm chủng VNVC thực hiện theo đúng các nguyên tắc nhà sản xuất và quy định của Bộ Y tế.  

Đây là vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ thông thường từ 2 đến 8 độ C như các loại vắc xin khác. Hiện lô vắc xin 117.000 liều đang được Bộ Y tế thẩm định chất lượng, dự kiến sẽ tiến hành chủng ngừa cho nhóm ưu tiên vào đầu tháng 3/2021.

Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc cung ứng của Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết, các kho bảo quản của hệ thống trên cả nước đã sẵn sàng để tiếp nhận khoảng 170 triệu liều ở điều kiện từ 2 đến 8 độ C. Để đảm bảo các điều kiện nhiệt độ bảo quản vắc xin, hệ thống xe chuyên dụng cũng đã được trang bị để phân phối vắc xin đến các điểm tiêm chủng.