1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Cuộc chiến" giữ con đẫm nước mắt của thai phụ bị ung thư phổi di căn

(Dân trí) - Ở tuần thai thứ 19, người mẹ trẻ 25 tuổi (Hà Tĩnh) phát hiện ung thư phổi di căn. 10 tuần tiếp đó là cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ của thai phụ với những giấc ngủ ngồi chập chờn 2 tiếng mỗi ngày do khó thở, đau đớn và cả nỗi lo con có được nhìn thấy ánh mặt trời…

Nghị lực phi thường của thai phụ Đậu Thị H.T. cùng sự hỗ trợ của gần 20 bác sĩ bệnh viện Phụ sản TƯ, bệnh viện K TƯ đã giúp chị vượt qua được những đau đớn đón đứa con trai bé bỏng nặng 1,2kg chào đời vào ngày 10/7. Người mẹ trẻ đã trào nước mắt vì hạnh phúc dù biết ngày một ngày hai, cuộc sống của mình sẽ khép lại.

Từ chối điều trị vì con

Ở tuần thai thứ 11, T. phát hiện có hạch ở vùng cổ. Sau 3 lần khám, đến tuần thai thứ 19, thai phụ mới biết mình mắc ung thư phổi giai đoạn muộn, di căn hạch cổ, gan…

Cô Lan, mẹ sản phụ T. kể, cả nhà như "sét đánh ngang tai" khi nghe kết quả chẩn đoán vì điều trị ung thư phổi đã là rất khó khăn, ung thư phổi di căn, cơ hội cho người mẹ lại càng ít. Vậy mà T. lúc ấy chỉ hỏi làm sao để cho em bé được an toàn, hoàn toàn không hỏi về sức khỏe bản thân. Bác sĩ có tư vấn, nếu muốn điều trị triệt để thì nên đình chỉ thai nghén nhưng vì quyết tâm giữ con nên T. đã từ chối luôn cả điều trị.

Đến tuần thứ 25, bệnh tiến triển nặng, hạch to lên, dày đặc 2 bên cổ, tràn dịch màng phổi, gây khó thở, không chịu được nữa, bệnh nhân mới quyết định vào viện hôm 24/6.


Cuộc sống của T. đang phải đếm từng ngày. Nhưng bé Gấu sẽ có cơ hội sống sau những nỗ lực phi thường của mẹ. Ảnh: T.A

Cuộc sống của T. đang phải đếm từng ngày. Nhưng bé Gấu sẽ có cơ hội sống sau những nỗ lực phi thường của mẹ. Ảnh: T.A

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K Trung ương, cho biết, hội chẩn liên viện giữa bệnh viện K với bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Bạch Mai đều thống nhất cố gắng duy trì em bé ở trong bụng mẹ được ngày nào tốt ngày đấy. Thêm một ngày, cơ hội sống của trẻ càng cao.

Theo đó, các bác sĩ đã quyết định dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, cân nhắc dùng thuốc hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư để không ảnh hưởng đến thai nhi. Nhờ vậy mà sức khỏe của người bệnh ổn định hơn.

Tuy nhiên, suốt 4 tuần trong viện thực sự là một cuộc chiến của thai phụ trẻ. T. bị tràn khí màng phổi, khó thở, không thể nằm được mà phải ngồi 24/24h. Và ngay trong những giấc ngủ chập chờn, chỉ chưa đầy 2 tiếng mỗi ngày, nhiều lần T. giật mình tỉnh giấc, lại vội đưa tay lên bụng xem con còn thở không.

“Nhìn thấy tình cảnh bệnh nhân, nghị lực phi thường, tình mẫu tử thiêng liêng nên mỗi nhân viên y tế chúng đều cố gắng hết sức mình, mong sao người mẹ đợi được đến ngày thai nhi cứng cáp chào đời”, BS Trần Đức Thọ, Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức (BV K Trung ương) nói.

Đến tuần thai thứ 29, thấy sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, hơi thở yếu, có thể ra đi bất cứ lúc nào, để thêm nguy cơ mất cả mẹ, cả con, các bác sĩ viện K đã gọi điện sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhờ hỗ trợ. Đúng 20h ngày 10/7, 20 bác sĩ đã tham gia ca phẫu thuật đặc biệt lấy thai.

“Nói là đặc biệt bởi chưa bao giờ bác sĩ phẫu thuật lấy thai trong tình huống như thế. Bệnh nhân không thể nằm (vì không thở nổi) mà phải ngồi trên bàn mổ. Hai y tá đỡ hai bên lưng, bác sĩ cúi ngang bàn để mổ lấy thai. Bác sĩ cũng không thể gây mê cho T. bởi sợ cô không thể tỉnh lại. Thuốc an thần cũng không thể tiêm vì sợ dẫn đến suy hô hấp nặng hơn. Vì thế trong suốt ca mổ, bệnh nhân gần như tỉnh. Bác sĩ cũng lo lắng vã mồ hôi sợ mất cả mẹ, cả con. Vậy nên, khi nghe tiếng khóc chào đời của bé trai nặng 1,2kg người mẹ đã trào nước mắt, các bác sĩ cũng thở phào nhẹ nhõm”, BS Nguyễn Liên Phương, Phó trưởng khoa sản bệnh lý (BV Phụ sản Trung ương) chia sẻ.

BS Thuấn cho biết, các ca mang thai bị ung thư vú bác sĩ cũng gặp khá nhiều và điều trị hiệu quả nhưng đây là ca đầu tiên bệnh viện gặp trường hợp có thai trên nền bệnh ung thư phổi.

Cuộc chiến giành sự sống của mẹ, của con!

Ngay sau khi sinh, bé trai được chuyển sang BV Phụ sản Trung ương trong tình trạng suy hô hấp nặng do quá non tháng. BS Nguyễn Ngọc Lợi, giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh cho biết, đến nay, sau 3 ngày sinh ra, tình trạng em bé có cải thiện hơn nhưng vẫn đang thở máy.

Mỗi ngày bé được ăn khoảng 14 lần, mỗi lần 1 ml. Sự sống có khó khăn, nhưng được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, em bé sẽ mỗi ngày mỗi lớn. Gia đình đặt tên cho bé là Trần Gấu với hy vọng con sẽ được khỏe mạnh.

Bé Trần Gấu đã cất tiếng khóc trào đời sau bao nỗ lực vượt qua đau đớn của mẹ. Nhưng bé còn phải qua một cuộc chiến dài dài để lớn lên khỏe mạnh.
Bé Trần Gấu đã cất tiếng khóc trào đời sau bao nỗ lực vượt qua đau đớn của mẹ. Nhưng bé còn phải qua một cuộc chiến dài dài để lớn lên khỏe mạnh.

Còn với người mẹ, ngay sau sinh, các bác sĩ lại bước vào cuộc chiến hồi sức với hy vọng cứu được mẹ. ThS. Lê Thị Yến, khoa Nội, bệnh viện K Quán Sứ, cho biết, bệnh viện dùng những loại thuốc tốt nhất cho sản phụ, mỗi ngày từ 6-8 triệu tiền thuốc, để mong bệnh nhân vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Ở bên giường bệnh con gái, cô Lan không thể ngăn được những dòng nước mắt. “Nhiều người khuyên con nghe lời bác sĩ, điều trị xong lại có cơ hội nhưng nó nhất định không chịu. Tôi cũng khuyên con còn trẻ, còn nhiều cơ hội nhưng nó bảo có chết cũng phải để con được sống. Tôi cũng đành chiều con. Giờ gia đình cũng chấp nhận. Nếu T có ra đi, em bé ở lại cũng đã là niềm an ủi lớn nhất cho gia đình. Tôi mong con có thể đợi đến lúc có thể ôm con trai bé nhỏ trong vòng tay”, cô Lan nói.

Cảm động tình mẫu tử và hoàn cảnh khó khăn của gia đình bệnh nhân, nhiều người đã hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở. Quỹ Ngày mai tươi sáng cũng đã động viên gia đình số tiền 10 triệu đồng.

Hồng Hải