Cùng bàn cách để dân tiếp cận với gia cầm an toàn trong mùa dịch

(Dân trí) - Ngoài những ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 nhỏ lẻ phát hiện gần đây còn rất nhiều cơ sở sản xuất gia cầm đảm bảo an toàn. Tuy nhiên làm thế nào để kết nối các sản phẩm này với thị trường đang là một bài toán khó với các nhà quản lý.

Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện cả nước có 69 ổ dịch Cúm gia cầm H5N1 tại 23 tỉnh, thành trên cả nước. Đa số các ổ dịch này được phát hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và đây là một tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, sau khi thông tin về dịch cúm gia cầm A/H5N1 bùng phát ở một số địa phương được cung cấp cho người dân, gần đây ngành chăn nuôi gia cầm đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ công tác phòng chống dịch như giá gia cầm và các sản phẩm gia cầm giảm mạnh, sức mua yếu, một số người tiêu dùng thậm chí còn tuyên bố tẩy chay với các sản phẩm gia cầm.

Không nên tẩy chay hoàn toàn các sản phẩm gia cầm (Ảnh minh họa)
Không nên tẩy chay hoàn toàn các sản phẩm gia cầm (Ảnh minh họa)

Cục Chăn nuôi cho biết, giá gà lông nâu đã giảm xuống chỉ còn 25.000-27.000 đồng/kg, giá trứng gà giảm còn khoảng 11.000-12.000 đồng/1 chục. Điều này đồng nghĩa với việc người chăn nuôi gia cầm đang phải gánh chịu một khoản lỗ lớn. Thậm chí, dù chịu lỗ nhưng vẫn khó bán được hàng do tâm lý e ngại của người tiêu dùng giữa mùa dịch.

Nhiều chuyên gia trong ngành lo ngại rằng, nếu tập trung quá nhiều vào công tác phòng chống dịch mà lãng quên ngành chăn nuôi thì sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm gia cầm.

“Việc tái đàn là quan trọng vì nếu không tiếp tục chăn nuôi thì 2-3 tháng nữa khi dịch đi qua cung sẽ không đáp ứng được cầu, khi đó việc tăng giá là xu hướng tất yếu và sẽ phải nhập các sản phẩm từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng,” Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khuyến cáo.

Lãnh đạo Cục Thú y cho rằng cần giữ vững quan điểm không chủ quan nhưng không hoang mang trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N1 để vừa làm tốt công tác ngăn dịch đồng thời tránh tình trạng xa lánh các sản phẩm gia cầm.

“Chúng tôi đã làm việc trong công tác thú y hơn 20 năm và nhận thấy những trường hợp mắc bệnh liên quan đến gia cầm không phải những người làm về thú y cũng không phải những người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận nguy cơ thực sự có đáng sợ không. Nếu người dân không ăn gia cầm thì không chính phủ nào có thể mua về và cất đi đâu được. Chúng ta cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đứng ra mua và cung ứng các sản phẩm gia cầm có chứng nhận an toàn và cung ứng ra thị trường,” ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.

Để hỗ trợ tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm, cần làm tốt công tác phòng dịch. Khi phát hiện ổ dịch cần ngăn chặn tất cả các chốt nghiêm ngặt, cấm vận chuyển ra khỏi ổ dịch trong vòng 15 ngày, tiến hành tiêu hủy toàn bộ gia cầm trong ổ dịch, và tăng cường công tác tiêu độc khử trùng. Các nơi khác không có dịch vẫn có thể buôn bán và tiêu thụ bình thường, đại diện của Văn phòng Chính phủ kiến nghị.

Để người dân tiếp cận với các sản phẩm đảm bảo chất lượng, rõ xuất xứ nguồn gốc thì cần công bố các cơ sở sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gia cầm an toàn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng TP Hà Nội và các địa phương khác trên cả nước cần học hỏi kinh nghiệm ở TPHCM, làm việc với các địa phương kết nối các trang trại sản xuất gia cầm sạch với quy mô lớn với siêu thị để đảm bảo người dân yên tâm tiếp tục tiêu thụ các sản phẩm này.

“Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Cục Thú y, Cục Chăn nuôi và Đài Truyền hình Việt Nam để tăng cường trao đổi công khai để người dân hiểu đúng mức tình hình, không thổi phồng bức tranh dịch bệnh và hỗ trợ kết nối với thị trường trong việc tiêu thụ các sản phẩm gia cầm an toàn,” Thứ trưởng cho biết.

Như vậy, ngoài việc làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm tiêu thụ các sản phẩm gia cầm an toàn đồng thời tuân thủ các nguyên tắc “ăn chín, uống sôi” để đảm an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Thảo Nguyên