Cúm A gia tăng, nhiều người “săn lùng” thuốc cúm Tamiflu đẩy giá lên cao

(Dân trí) - Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi tuần tiếp nhận hơn 100 bệnh nhi vì cúm A. Sốt ruột cảnh con bị bệnh, nhiều gia đình “săn lùng” thuốc điều trị cúm Tamiflu đẩy giá lên cao.

“Chợ mạng” bán Tamiflu giá 600 nghìn 10 viên

Trên mạng xã hội, nhóm dân cư, những ngày này sôi nổi nhất là chợ thuốc trên mạng bán thuốc chữa cúm Tamiflu với giá khoảng 600 nghìn/vỉ 10 viên. Tuy nhiên, khách hàng phải đợi từ 10 - 15 ngày mới có thuốc, nên thường chỉ những người muốn dự phòng nguy cơ mắc cúm mới có thể chờ đợi.

Cúm A gia tăng, nhiều người “săn lùng” thuốc cúm Tamiflu đẩy giá lên cao - 1

Anh Vinh (đường Chiến Thắng, Hà Nội) sau một hồi lướt Facebook để mua thuốc cho con nhưng không có sẵn, phải đợi 9 - 15 ngày, anh đã lấy xe chạy một loạt các hiệu thuốc để mua Tamiflu cho con.

Cúm A gia tăng, nhiều người “săn lùng” thuốc cúm Tamiflu đẩy giá lên cao - 2

Anh cho biết, hỏi 10 hiệu thuốc thì cả 10 lắc đầu. Con trai 6 tuổi của anh được chẩn đoán cúm, bác sĩ có kê Tamiflu mà ngay trong nhà thuốc BV Nhi Trung ương cũng không thể mua.

Sau khi được cất công đi tìm, anh cũng mua được vỉ 10 viên Tamiflu với giá 900 nghìn.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, thuốc Tamiflu chỉ đáp ứng điều trị cho bệnh nhân nội trú.

Những ngày qua, lượng bệnh nhi nhập viện vì cúm A tăng cao, với khoảng 100 -130 trẻ đến khám mỗi ngày có các dấu hiệu nghi ngờ cúm. Hiện tại, số bệnh nhân điều trị trong khoa là 150 trẻ mắc cúm A.

Cúm A gia tăng, nhiều người “săn lùng” thuốc cúm Tamiflu đẩy giá lên cao - 3

Một bệnh nhi mắc cúm A đang được điều trị tại Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em (BV Nhi Trung ương).

"Chỉ những bệnh nhân có biểu hiện viêm phổi, viêm phế quản, khò khè mới có chỉ định nhập viện. Còn những bệnh nhân nhẹ hơn, được chỉ định theo dõi, điều trị ngoại trú", TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết.

Theo P.TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi Trung ương, thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, không được sử dụng tùy tiện. Thuốc được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi... Vì thế, khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh mới dùng thuốc này, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.

Trước tình trạng bệnh nhân cúm có xu hướng tăng cao, thuốc điều trị đang khan hiếm, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương đã có văn bản gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thông báo tình trạng kho thuốc đang hết dần Tamiflu để Cục có giải pháp kịp thời.

Tự dùng Tamiflu có thể gây kháng thuốc nguy hiểm

BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, hiện nay do thời tiết lạnh kéo dài ở miền Bắc nên số người mắc cúm tăng nhanh, là các chủng cúm mùa thông thường cúm A/H1N1, A/H3N2, cúm B… 

Tuy nhiên, nỗi khổ của người bị cúm, đó là cảm thấy người đau mỏi, sốt, sổ mũi, ho, người mệt mỏi khó chịu. Không ít gia đình đăng tải các thông tin lên mạng xã hội, với mong muốn được “mách nước” mua Tamiflu bởi nhiều cửa hàng ngoài hết hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc người dân tùy tiện tìm thuốc mua về uống là không đúng chỉ định.

Việc tuỳ tiện dùng thuốcTamiflu, nhất là đối tượng trẻ em có thể gây hậu quả virus  kháng thuốc, ngoài ra còn làm cho thị trường chợ đen lũng đoạn, đẩy giá Tamiflu lên cao, gây tâm lý hoang mang lo ngại không cần thiết, ảnh hưởng đời sống của người dân.

Trong khi đó, hướng dẫn điều trị cúm của Bộ Y tế Việt Nam, cũng như các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và CDC đều khuyến cáo điều trị thuốc kháng virus Tamiflu chỉ được chỉ định khi có biến chứng nặng hoặc có nguy cơ cao.

Với các trường hợp còn lại, chỉ điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng.

BS Cấp lưu ý thêm, dù bệnh cúm lành tính, nhưng ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai bệnh có thể diễn biến gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Vì thế, nếu thấy cúm biểu hiện các triệu chứng có dấu hiệu nặng lên, có biểu hiện viêm phổi cần phải nhập viện, bởi cúm có thể gây các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.

Vì thế, các trường hợp cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ nên được nhập viện để theo dõi và xem xét điều trị sớm thuốc kháng virus. . Việc theo dõi dấu hiệu bệnh là vô cùng quan trọng. Khi thấy biểu hiện nặng lên, khó thở cần tái khám.

Bộ Y tế khuyến cáo chủ động tiêm phòng cúm

Theo Cục Y tế Dự phòng, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Để phòng chống cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch để phòng lây lan; khi phải tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang.

Các biện pháp như tăng cường vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, nâng cao thể trạng để phòng bệnh; chủ động tiêm vắc- xin phòng bệnh cúm với các chủng đã có vắc- xin cũng rất hiệu quả để phòng lây lan cúm, được Bộ Y tế khuyến khích.

Việc tiêm phòng đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…)); Người trên 65 tuổi.

Hồng Hải - Minh Nhật