Cúm gia tăng, nhiều người “săn lùng” Tamiflu

(Dân trí) - Trên mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp những chia sẻ làm thế nào để mua được Tamiflu khi có người thân bị cúm. Giá thuốc cũng bị đẩy giá lên đến vài trăm nghìn cho một vỉ 10 viên thuốc.

Có thể nguy hiểm tính mạng nếu tự dùng Tamiflu

TS .BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, hiện nay do thời tiết lạnh kéo dài ở miền Bắc nên số người mắc cúm tăng nhanh. Nhưng chủ yếu là cúm mùa do các loại vi rút cúm A/H1N1, A/H3N2, cúm B… là cúm mùa thông thường với biểu hiện nhẹ, ít gây biến chứng. Bệnh xảy ra hàng năm vào mùa đông xuân, rất dễ lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.

Cúm gia tăng, nhiều người “săn lùng” Tamiflu - 1

Tuy nhiên, nỗi khổ của người bị cúm, đó là cảm thấy người đau mỏi, sốt, sổ mũi, ho, người mệt mỏi khó chịu. Không ít gia đình đăng tải các thông tin lên mạng xã hội, với mong muốn được “mách nước” mua Tamiflu bởi nhiều cửa hàng ngoài hết hàng.

Tuy nhiên, chuyên gia truyền nhiễm lại cho rằng, việc người dân tùy tiện tìm thuốc mua về uống là không đúng chỉ định.

TS Cường cũng cho rằng cần tỉnh táo xem lại việc chỉ định điều trị cúm, nhiều bác sĩ cứ xét nghiệm test nhanh cúm (hoặc có triệu chứng cúm) là kê đơn cho Tamiflu, nhất là đối tượng trẻ em. Điều này có thể gây hậu quả vi rút kháng thuốc, ngoài ra còn làm cho thị trường chợ đen lũng đoạn, đẩy giá Tamiflu lên cao, gây tâm lý hoang mang lo ngại không cần thiết, ảnh hưởng đời sống của người dân.

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám một bệnh nhân điều trị tại khoa. Ảnh: H.Hải
PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám một bệnh nhân điều trị tại khoa. Ảnh: H.Hải

Trong khi đó, việc điều trị cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng. Hướng dẫn điều trị cúm của Bộ Y tế Việt Nam, cũng như các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và CDC đều khuyến cáo điều trị thuốc kháng vi rút Tamiflu chỉ được chỉ định khi có biến chứng nặng hoặc có nguy cơ cao.

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cũng cho biết, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe. Do đó, khi có triệu chứng nghi là bệnh cúm hoặc nghi ngờ tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm, người dân nên đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.

Bộ Y tế khuyến cáo chủ động tiêm phòng cúm

Trước xu hướng gia tăng của các ca mắc cúm và vẫn có dấu tăng bởi miền Bắc cuối đông, đầu xuân là thời điểm cúm bùng phát, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch để phòng lây lan; khi phải tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang.

Cúm gia tăng, nhiều người “săn lùng” Tamiflu - 3

Các biện pháp như tăng cường vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, nâng cao thể trạng để phòng bệnh; chủ động tiêm vắc- xin phòng bệnh cúm với các chủng đã có vắc- xin cũng rất hiệu quả để phòng lây lan cúm, được Bộ Y tế khuyến khích.

Việc tiêm phòng đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…)); Người trên 65 tuổi

Theo TS Cường, dù bệnh cúm lành tính, nhưng ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai bệnh có thể diễn biến gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Vì thế, nếu thấy cúm biểu hiện các triệu chứng có dấu hiệu nặng lên, có biểu hiện viêm phổi cần phải nhập viện, bởi cúm có thể gây các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.

"Với cúm nhẹ thông thường, điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, nâng cao thể trạng, điều trị triệu chứng. Nhưng riêng với cúm có biến chứng lại cần được nhập viện để điều trị và dùng thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt. Các trường hợp cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ nên được nhập viện để theo dõi và xem xét điều trị sớm thuốc kháng vi rút. Vì thế, việc theo dõi dấu hiệu bệnh là vô cùng quan trọng. Khi thấy biểu hiện nặng lên, khó thở cần tái khám", TS Cường khuyến cáo.

Hồng Hải