1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cục Bảo vệ thực vật lên tiếng về tình trạng ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat

(Dân trí) - Mặc dù thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có chứa hoạt chất Paraquat đã bị loại khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam từ ngày 8/2/2017, nhưng thời gian gần đây vẫn còn rất nhiều ca tử vong liên quan đến loại thuốc này. Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) đã giải thích vấn đề này như nào?

Ngày 8/2/2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký, ban hành Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất 2.4 D và Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Thuốc diệt cỏ Paraquat đã bị loại khỏi danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành ở Việt Nam từ ngày 8/2/2017.
Thuốc diệt cỏ Paraquat đã bị loại khỏi danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành ở Việt Nam từ ngày 8/2/2017.

Thế giới chưa có thuốc chữa ngộ độc do Paraquat

Theo các nhà chuyên môn, trong các thuốc trừ cỏ chứa 2.4 D đều có một lượng chất Chlorophenol không được tổng hợp hết gọi là phenol tự do. Chlorophenol có nhiều ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người và môi trường sống do trong tự nhiên, Chlorophenol tồn tại tương đối lâu và có thể chuyển hóa thành chất Dioxin, có khả năng kích thích tế bào ung thư phát triển, gây đột biến tế bào và dị dạng cơ thể người và động vật máu nóng.

Paraquat có khả năng gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng phổi, thận, tim, bị phơi nhiễm trực tiếp Paraquat qua đường da, đường hô hấp trên hay đường miệng đều có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong mà không có thuốc giải độc.

Đến thời điểm hiện tại, trên thế giới, Paraquat đã bị cấm sử dụng tại 32 quốc gia. Tại Việt Nam, thuốc trừ cỏ Paraquat được đăng ký sử dụng trong BVTV từ năm 1993, thường được sử dụng trong điều kiện không đảm bảo rất dễ bị phơi nhiễm qua da và hô hấp như: nhiệt độ, độ ẩm cao, thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động, dụng cụ phun xịt không an toàn, dễ rò rỉ, người sử dụng thiếu hiểu biết về tác hại của thuốc, khu vực phun thuốc thiếu sự kiểm soát, không có khu quy định để rửa sau khi phun thuốc, điều trị y tế thiếu thốn và tiếp xúc với thuốc thường xuyên.

Nguy hiểm hơn, Paraquat bị sử dụng làm thuốc độc trong các vụ tự tử hoặc đầu độc với liều gây chết rất nhỏ (khoảng 10ml) mà không có thuốc giải độc.

Chưa năm nào, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) lại tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat như năm nay. Chỉ trong 4 ngày Tết (từ ngày mùng 1 đến sáng mùng 5 Tết Mậu Tuất 2018) có đến 13 ca nhập viện. Có ngày Trung tâm tiếp nhận 3 – 4 ca ngộ độc chất độc chết người này.

Chỉ trong 4 ngày Tết có đến 13 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat được đưa đến Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cấp cứu. Ảnh: H.Hải
Chỉ trong 4 ngày Tết có đến 13 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat được đưa đến Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cấp cứu. Ảnh: H.Hải

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Rất nhiều bệnh nhân, trong một phút mất tự chủ đã tự tử bằng thuốc diệt cỏ Paraquat. Trong khi đó đến nay, cả trên thế giới người ta chưa thể tìm ra một phương pháp điều trị cho các ca ngộ độc hóa chất này. Dù được điều trị tích cực, lọc máu, 70 – 90% bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi nếu uống từ 50ml thuốc diệt cỏ trở lên. Hóa chất cực độc gây suy gan, xơ phổi sẽ không thể cứu chữa được người bệnh”.

Được phép nhập khẩu với hợp đồng đã ký, tiêu thụ hết hàng tồn kho

Trước thực trạng trên, dư luận đang thắc mắc là tại sao thuốc diệt cỏ Paraquat đã bị loại khỏi danh mục thuốc BVTV được sử dụng tại Việt Nam từ ngày 8/2/2017 mà vẫn còn nhiều ca ngộ độc dẫn đến tử vong liên quan đến loại thuốc này?

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng cục BVTV (Bộ NN&PTNT) giải thích: Thuốc BVTV có chứa hoạt chất 2.4D và paraquat mặc dù bị loại bỏ ra khỏi danh mục từ ngày 8/2/2017, nhưng loại thuốc này vẫn được phép nhập khẩu và sử dụng đến ngày 8/2/2019.

“Hoa Kỳ còn có độ trễ là 5 năm, ở mình cho phép độ trễ có 2 năm. Trong khoảng thời gian này để cho các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh tiêu thụ hết hàng tồn kho” – ông Dương nói.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, theo thông lệ quốc tế thì thường những hợp đồng đã ký thì rồi thì tiếp tục được thực hiện. Do đó, với những hợp đồng đã ký các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện nhập khẩu thuốc paraquat, nhập khẩu về rồi sẽ tiếp tục được tiêu thụ đến ngày 8/2/2019 thì chấm dứt.

Tuy nhiên, dư luận đang lo ngại là trong thời gian này, các doanh nghiệp sẽ tranh thủ lợi dụng để nhập ồ ạt thuốc paraquat về tiêu thụ. Về vấn đề này, ông Dương cho biết, Cục BVTV sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng liên quan và các địa phương để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV thống kê số lượng thuốc Paraquat còn tồn kho rồi báo cáo về Cục BVTV để có phương án xử lý tiếp theo.

Nguyễn Dương