Cụ ông nguy kịch sau khi uống 20 viên "thuốc lạ" để chữa bệnh tim
(Dân trí) - Sau khi xuất hiện triệu chứng đau âm ỉ ở ngực, cụ ông 79 tuổi ở Hà Nội được người nhà chỉ cho uống một loại thuốc trợ tim. Đáng nói, loại thuốc này không hề rõ xuất xứ, tên và thành phần.
Mỗi ngày, cụ ông uống đều đặn 2 viên "thuốc lạ" vào sáng/tối. Tuy nhiên, đến ngày thứ 10, sau khi uống tổng cộng 20 viên, cụ ông bắt đầu xuất hiện tình trạng mệt mỏi và chóng mặt.
Các triệu chứng này ngày một nặng lên và đến chiều 2/11, ông được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) để cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, ý thức lơ mơ, dần hôn mê, da tái lạnh.
Bác sĩ Tô Hoàng Dương, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị cho biết: "Vào thời điểm nhập viện, cụ ông này bị hạ kali máu gây rối loạn nhịp tim và dẫn đến ngừng tuần hoàn".
Theo BS Dương, ngừng tuần hoàn là tình trạng rất nguy kịch. Vì người bệnh ngừng tim, ngừng thở nên đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Bên cạnh đó, bệnh nhân đã lớn tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, hẹp động mạch vành nên diễn biến thường rất nhanh, phức tạp. Nếu qua cơn nguy kịch cũng dễ để lại nhiều di chứng.
Để cấp cứu cho bệnh nhân, ê-kíp đã cho sốc điện ba lần và ép tim ngoài lồng ngực với mục đích tái lập tuần hoàn tự nhiên cho bệnh nhân. May mắn, sau đó cụ ông đã phục hồi nhịp tim và huyết áp. Sau khoảng 5 giờ cấp cứu, bệnh nhân đã hồi tỉnh.
Kết quả xét nghiệm loại thuốc trợ tim lạ mà cụ ông đã uống cho thấy, thuốc có chứa chất độc với liều lượng ít. Tuy nhiên, đáng nói nhất là thành phần gây lợi tiểu trong thuốc đã dẫn đến tình trạng giảm quá nhiều kali máu của bệnh nhân.
"Các rối loạn về điện giải nguy hiểm đã khiến cụ ông nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch", BS Dương nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, việc bệnh nhân gặp nguy hiểm sau khi dùng thuốc lạ như cụ ông kể trên là không hiếm.
"Nhiều người bệnh tự ý tìm mua và sử dụng các loại thuốc hoàn, tễ để điều trị các bệnh mạn tính, nhất là tiểu đường và tim mạch. Đây là thực trạng đáng ngại vì các thuốc này không rõ nguồn gốc, được trộn và bào chế không chính thống. Thậm chí có thể chứa chất đã bị cấm lưu hành. Kết quả người bệnh đối mặt với nguy cơ bị ngộ độc, nhiễm axit máu, hôn mê hoặc suy hô hấp rất nhanh, tiên lượng thường nặng và điều trị rất khó khăn.
Qua đây, BS Dương khuyến cáo, người bệnh không nên sử dụng các loại thuốc "truyền miệng", không rõ nguồn gốc. Khi cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.
Đầu tháng 11, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng đã tiếp nhận một trường hợp bị tiểu đường nhập viện trong tình trạng nhiễm toan chuyển hóa và toan lactic rất nặng, các chỉ số xét nghiệm đều xấu, đe dọa ngừng hô hấp, ngừng tim. Trước đó bệnh nhân đã sử dụng một loại thuốc nam sau khi nghe người quen mách bảo. Mẫu thuốc nam được gửi đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với chất Phenformin. Đây là chất được dùng để điều trị đái tháo đường tại Mỹ từ những năm 1950. Tuy nhiên, từ năm 1973, nó đã bị cấm sản xuất và lưu hành do gây ra nhiều ca tử vong liên quan đến nhiễm axit lactic.