1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Covid-19 ở Hà Nội 29/9: Gỡ phong tỏa ổ dịch lớn nhất, không có F0 cộng đồng

Thế Anh

(Dân trí) - Tối 29/9, Hà Nội không ghi nhận thêm F0. Như vậy, trong ngày Thủ đô có 2 ca dương tính SARS-CoV-2, không có trường hợp nào ở cộng đồng.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố có 3.973 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 1.601 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 2.372 ca.

Như vậy, từ ngày 25/9 đến nay, Hà Nội không ghi nhận F0 trong cộng đồng.

Bí thư Hà Nội nói về 3 biện pháp trọng tâm để thích ứng an toàn với dịch

Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, Hà Nội sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế. Song song với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, có 3 biện pháp trọng tâm mà Hà Nội sẽ tập trung thực hiện.

Covid-19 ở Hà Nội 29/9: Gỡ phong tỏa ổ dịch lớn nhất, không có F0 cộng đồng - 1

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, song song với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, thành phố sẽ đi từng bước chắc chắn và tập trung 3 biện pháp trọng tâm để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh (Ảnh: Thành Trung).

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, người dân phải thực hiện "5K", tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR, đưa việc này trở thành thói quen, nếp sống hằng ngày. Thành phố mong rằng, cùng với người dân, các doanh nghiệp sẽ thực sự là chủ thể, là trung tâm trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; có phương án sản xuất an toàn; an toàn để sản xuất, sản xuất phải bảo đảm an toàn.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở, nâng cao khả năng dự báo và đáp ứng phòng chống dịch của hệ thống y tế dự phòng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện; trọng tâm là chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm ở mức cao hơn trên nguyên tắc là không để F0 phải điều trị tại nhà; phát hiện sớm, điều trị ngay, giảm tối đa các ca bệnh chuyển nặng, các ca tử vong.

Thứ ba, tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vắc xin để trong tháng 10/2021 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1; chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho người dân dưới 18 tuổi khi có vắc xin và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Xem thêm: Bí thư Hà Nội nói về 3 biện pháp trọng tâm để thích ứng an toàn với dịch 

"Mở cửa" trường học tại Hà Nội: Làm thế nào để không bùng dịch?

ở thời điểm hiện tại, các trường học tại Hà Nội vẫn chưa có thời gian cụ thể về việc mở cửa trở lại. Nhiều học sinh và phụ huynh mong muốn trường học sớm mở lại hình thức dạy học trực tiếp sau một thời gian dài việc học chỉ được tiến hành qua "màn hình". Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lo ngại về nguy cơ bùng dịch, bởi các học sinh vẫn chưa được tiêm vắc xin Covid-19.

Covid-19 ở Hà Nội 29/9: Gỡ phong tỏa ổ dịch lớn nhất, không có F0 cộng đồng - 2

Hiện tại trẻ em vẫn chưa nằm trong đối tượng tiêm chủng vắc xin Covid-19 ở Việt Nam (Ảnh minh họa: Đỗ Quân).

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa tiến hành tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dưới 18 tuổi . Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, trẻ em mặc dù chưa được tiêm vắc xin nhưng tỷ lệ mắc thấp hơn người lớn và tỷ lệ tử vong là rất thấp. Tổng kết tình hình dịch của nước ta từ đầu vụ dịch đến nay cho thấy số bệnh nhân ở nhóm trẻ dưới 18 tuổi chiếm khoảng 15% và tỷ lệ tử vong chiếm 0,4%.

Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại trường học khi các học sinh chưa được tiêm vắc xin Covid-19 cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những vụ dịch Covid-19 trong nhà trường. Các ổ dịch tại trường học được ghi nhận ở Hà Nam trong vụ dịch vừa qua là ví dụ điển hình.

"Khi chưa bao phủ vắc xin cho trẻ em, điều quan trọng nhất là đảm bảo tuân thủ 5K trong và ngoài nhà trường. Đồng thời giám sát phát hiện và thông báo sớm các trường hợp trẻ ho, sốt hoặc gia đình trẻ có người ho, sốt. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình học sinh có vai trò rất quan trọng", PGS Hùng phân tích.

Xem thêm: "Mở cửa" trường học tại Hà Nội: Làm thế nào để không bùng dịch?

700 người dân ổ dịch lớn nhất Hà Nội trở về nhà sau nhiều ngày cách ly

Sáng 29/9, UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) tổ chức đón hàng trăm người dân sống tại ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) trở về từ khu cách ly, sau khi khu vực "ổ dịch" lớn nhất Hà Nội này được gỡ phong tỏa từ 0h cùng ngày.

Ông Đỗ Văn Khải - Chánh văn phòng HĐND và UBND quận Thanh Xuân cho biết, từ 8h sáng nay (29/9), lực lượng chức năng đã tổ chức đưa đón khoảng 700 công dân trở về phường Thanh Xuân Trung từ khu cách ly.

Covid-19 ở Hà Nội 29/9: Gỡ phong tỏa ổ dịch lớn nhất, không có F0 cộng đồng - 3

Sau khi người dân xuống khỏi xe ô tô, nhân viên y tế sẽ phun khử trùng toàn bộ khoang xe để đảm bảo an toàn.

"Mỗi đợt đưa công dân trở về sẽ có 5 ô tô 45 chỗ, thay phiên nhau đưa người dân về ngõ 328 và ngõ 330 Nguyễn Trãi. Để đảm bảo giãn cách, mỗi xe chúng tôi chỉ bố trí 15 công dân, công việc này diễn ra liên tục đến khi nào đưa hết số công dân ở khu cách ly trở về nhà", ông Khải nói.

Sau khi trở về địa phương, các công dân sẽ tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà, khai báo y tế đầy đủ. Trong chiều cùng ngày, lực lượng chức năng sẽ phát những túi an sinh chứa nhu yếu phẩm cho toàn bộ người dân trong khu vực từng là ổ dịch lớn nhất của Hà Nội.

Xem thêm: 700 người dân ổ dịch lớn nhất Hà Nội trở về nhà sau nhiều ngày cách ly