Cơn stress cấp tính: Nguy kịch trong… an toàn
(Dân trí) - Biểu hiện nặng nề của bệnh nhân khiến bác sĩ nghi ngờ là bị thủng dạ dày, chảy máu não... nhưng trên thực tế, qua giai đoạn "nguy kịch", họ lại như bất cứ người bình thường nào, không tìm thấy bệnh lý dù đã làm đủ các loại xét nghiệm, chiếu chụp.
Đau dữ dội vẫn “chẩn” không bệnh lý?!
Đang ngồi xem phim với cả nhà, bà Nguyễn T.H, phố Đại An, Văn Mỗ, Hà Nội tự dưng thấy khó thở, thở gấp rồi ôm ngực, mắt trợn ngược, bất tỉnh khiến cả nhà hốt hoảng chở tới bệnh viện Bạch Mai. Đến nơi, bệnh nhân nhanh chóng được bác sĩ xử lý cấp cứu. Tuy nhiên, sau khi tiến hành các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết thì bác sĩ không tìm thấy bất cứ dấu hiệu bệnh lý nào.
Nghe bác sĩ nói vậy, người nhà bệnh nhân “nổi khùng” cho rằng bác sĩ thiếu trách nhiệm với người bệnh vì "nếu không đưa đi cấp cứu kịp thì chết ra đấy rồi".
Một trường hợp khác là chị Linh (30 tuổi) ở Nhổn, Cổ Nhuế, Hà Nội. Đêm hôm đó, chị thức dậy tầm 2h sáng để pha sữa cho con, đang dỗ con khóc, bỗng nhiêu chị thấy toát mồ hô hột, xa xẩm mặt mày, bụng đau dữ dội. Nghĩ là cảm, chị vội gọi chồng dậy, nhanh chóng lấy dầu xoa khắp người rồi uống nước gừng tươi nhưng bụng vẫn đau quằn quại. Hai vợ chồng vội vã gọi ông bà dậy trông con, lập cập đưa nhau vào Bệnh viện E cấp cứu.
Sau khi đo huyết áp, tim mạch, kiểm tra vùng bụng bệnh nhân không có gì bất thường, bác sĩ cho về theo dõi tiếp. Không tin tưởng người bác sĩ trẻ trong đêm trực, vợ chồng anh lại lên tắc xi đến tận bệnh viện Bạch Mai nhưng ở đây, các bác sĩ cũng không phát hiện điều gì bất thường.
Lý giải những trường hợp này, BS Nguyễn Đạt Anh, Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết: "Đây là những trường hợp bị cơn stress cấp tính. Bệnh nhân thường có những biểu hiện nguy kịch giống như bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não hoặc có nhiều cơn đau nhức khắp cơ thể... mà tưởng như là bệnh nhân bị thủng dạ dày, chảy máu não, nghi ung thư… nhưng thực tế, họ lại là những người hoàn toàn khỏe mạnh.
“Thấy người nhà mình đau đớn dữ dội, người lả đi, thậm chí ngất xỉu vì không còn sức lực, ai mà không hoảng, vội đưa đi cấp cứu. Vì thế, khi được bác sĩ xác định đó là những cơn đau cảm giác thì họ thường không hài lòng, cho rằng bác sĩ không nhiệt tình cứu chữa. Nhưng thực tế, căn bệnh này nhiều khi không cần bác sĩ phải thực hiện hồi sức cấp cứu mà là chữa bệnh bằng liệu pháp tinh thần - giải quyết căn nguyên gây nên tình trạng này”, BS Đạt tâm sự. |
Theo bác sỹ Đạt Anh, nguyên nhân gây nên cơn stress cấp tính chính là sự phản ứng quá mức của cá thể trước cuộc sống. Do tâm lý của họ luôn căng thẳng và mệt mỏi tạo ra những cơn đau dữ dội.
Bất cứ đối tượng nào cũng có thể bị các cơn stress cấp tính nhưng thường gặp ở lứa tuổi trẻ (18 - 25 tuổi) và phụ nữ tuổi quanh mãn kinh và những người có cường độ công việc cao, doanh nhân, trí thức… Một em bé cũng có thể mắc stress nếu sống trong một môi trường với áp lực học hành lớn, hay do bố mẹ mâu thuẫn… Tuy nhiên, thường gặp nhiều ở những người có quá nhiều áp lực nhưng sức chịu đựng kém, hơn nữa lại không biết tự “giải phóng” mình khỏi những bức xúc, căng thẳng.
Ngay từ khi phát hiện bị các cơn stress cấp tính, người bệnh cần phối hợp với bác sĩ tâm lý, thần kinh để tìm ra nguyên nhân, qua đó ngăn chặn cơn stress cấp tính ngay khi gặp áp lực, mệt mỏi trong cuộc sống.
Đặc biệt, bệnh nhân bị stress thì việc tin tưởng, gần gũi với bác sỹ là rất quan trọng. Nếu người trẻ, nếu có các biểu hiện đau lưng, mất ngủ, bồn chồn, căng thẳng kéo dài; người trung niên có biểu hiện mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, sợ lạnh, có một bệnh dai dẳng nhưng không tìm được căn nguyên… thì nên tìm tới bác sỹ chuyên khoa tâm thần để sớm điều chỉnh và ngăn chặn cơn stress cấp tính.
Nếu không được điều trị người bệnh sẽ dẫn đến chứng trầm cảm nặng nề, các bệnh khác có cơ hội xâm nhập, phát sinh. Khi bệnh quá nặng có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tính mạng.
Tuy nhiên, hầu hết những người có vấn đề về trầm cảm hay stress lại ít khi chấp nhận đến bác sĩ tâm thần điều trị.
BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần từng chia sẻ, liệu pháp rèn luyện sức khỏe tinh thần rất quan trọng. Để tránh cơn stress cấp tính, mỗi người cần tập cách hài hòa cuộc sống tự nhiên và xã hội, giữa công việc và giải trí, giải toả lo lắng, căng thẳng. Nhất là phải biết điểm dừng trong công việc, đừng quá vì danh vọng, tiền tài mà lao vào làm việc không ngơi nghỉ, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần.
Thanh Hải