Con sốt trợn mắt, co giật, bố mẹ chân trần ôm trẻ chạy đến viện

Tú Anh

(Dân trí) - Con tôi bị sốt cao co giật khi 18 tháng tuổi, lúc đang bú mẹ. Hoảng quá tôi bế con lao thẳng đến viện. Đến giờ tôi vẫn ám ảnh con sốt, không biết phải xử lý sao nếu gặp lại tình huống ấy?

TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, sốt là phản ứng bình thường của cơ thể để chống lại các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm...

Hầu hết sốt ở trẻ em là lành tính. Tuy nhiên, việc trẻ sốt cao có thể dẫn đến co giật, đặc biệt là nhóm trẻ từ 6 - 18 tháng.

Con sốt trợn mắt, co giật, bố mẹ chân trần ôm trẻ chạy đến viện - 1

TS.BS Lê Ngọc Duy thăm khám cho bệnh nhi (Ảnh: T.A).

"Rất nhiều bố mẹ khi thấy con trợn mắt, co giật, người tím tái hoảng hồn bế sốc trẻ lao đến viện, đến dép không kịp đi. Điều này là rất nguy hiểm. Việc di chuyển khi trẻ chưa được hạ sốt có thể làm nhiệt độ tăng lên. Có trẻ đến viện, nhiệt độ cơ thể lên đến 41 độ C", TS Duy nói.

Thông thường, cơn sốt cao co giật diễn ra dưới 5 phút, sau đó trẻ tỉnh táo. Tuy nhiên, sốt cao co giật có thể khiến bố mẹ lo lắng. 

Khi trẻ bị sốt cao co giật, cha mẹ cần lưu ý:

- Đặt trẻ nằm nghiêng một bên để đờm nhớt dễ chảy ra ngoài, tránh hít vào phổi.

- Đặt hậu môn thuốc hạ sốt paracetamol.

- Lau mát cho trẻ bằng nước ấm.                                                                   

- Sau khi sơ cứu cho trẻ bị sốt cao co giật, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Theo TS Duy, để ngăn chặn nguy cơ sốt cao co giật, bố mẹ phải kiểm soát cơn sốt của trẻ.

Khi trẻ sốt, cần cho trẻ ở môi trường thoáng mát, sạch sẽ và mặc quần áo rộng. Không ít người con sốt vẫn quần dài, áo dài, đi tất, quạt không dám bật phe phẩy... khiến thân nhiệt trẻ càng cao lên.

Bên cạnh đó, hãy cho trẻ uống nhiều nước. Khi trẻ sơ sinh bị sốt nên tăng số lần và số lượng bú. Với trẻ trên 1 tuổi có thể cho trẻ uống thêm nước trái cây, đặc biệt là các loại nước trái cây giàu vitamin C như: nước cam, nước quýt, nước chanh...

Bố mẹ cũng không nên chỉ trông chờ vào thuốc hạ sốt. Khi uống thuốc hạ sốt cần khoảng 30 phút thuốc mới mang lại tác dụng. Lúc này, đừng chờ đợi, hãy chườm ấm cho trẻ.

Hãy nhúng 5 cái khăn vào thau nước ấm (37 - 40 độ C) và vắt hơi ráo. Dùng 2 khăn lau ở hai hõm nách, hai khăn lau ở hai bẹn và một khăn lau khắp người. Chú ý: Không đắp khăn lên trán và cũng không đắp lên ngực. Cứ cách 2-3 phút thay khăn một lần. Theo dõi nhiệt độ nước, cho thêm nước nóng nếu thấy nước không còn ấm. Cứ cách 15 phút nên kiểm tra nhiệt độ của trẻ, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38,5 độ C.

Tương tự, khi chưa đến thời gian uống thuốc trẻ có xu hướng sốt trở lại, lại tiếp tục chườm ấm, uống nhiều nước (oresol, nước trái cây, sữa...) sẽ giúp hạ sốt.

Chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên. Nếu con bạn đã có tiền sử co giật do sốt, hãy sử dụng hạ sốt khi bé sốt trên 38 độ C.  Thuốc hạ sốt thường dùng cho trẻ là paracetamol dạng gói, siro hoặc viên đặt hậu môn, liều lượng 10-15mg/kg/1 lần. Một ngày không quá 4 lần.

Nếu trẻ sốt cao trên 39,5 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt cần đưa trẻ tới viện. 

Ngoài ra, trẻ sốt cao quá 2 ngày; sốt ở trẻ dưới 3 tháng tuổi; khi trẻ sốt kèm một trong các dấu hiệu sau: kích thích hoặc li bì khó đánh thức, nôn tất cả mọi thứ, không ăn uống được, co giật, khó thở, phát ban hoặc đái máu... thì cần đưa tới viện.