1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cơm rượu có trị bệnh tim, đột quỵ?

Chưa có một công trình nghiên cứu nào công bố cơm rượu hiệu quả với các bệnh tim, huyết áp, tai biến mạch máu não.

Cơm rượu, loại thức ăn/uống bình thường thời gian gần đây được nhiều nơi bán và nhiều người tìm mua với lòng tin có thể trị được bệnh tim, đột quỵ. Thực hư chuyện này thế nào?

Nhiều người tìm mua

Thông tin cơm rượu giúp trị được bệnh tim, đột quỵ khá cuốn hút những người lớn tuổi, trung niên. Họ tìm mua loại thức ăn/uống này về sử dụng như một loại thuốc hằng ngày. Ngoài tác dụng được người bán cho là có thể trị bệnh tim, cơm rượu còn được rao bán trên mạng xã hội với tác dụng làm đẹp da, kích thích tiêu hóa, bồi bổ cơ thể.

Ngày 20/9, khảo sát các đoạn đường Bạch Đằng (Bình Thạnh), Phan Văn Trị (Gò Vấp) chúng tôi thấy những địa điểm bán cơm rượu xuất hiện khá nhiều. Ghé một điểm bán cơm rượu trên đường Nguyễn Văn Nghi (Gò Vấp), khi được hỏi về công dụng của loại thức ăn/uống này, chủ quán khẳng định cơm rượu có thể trị được bệnh tim, đột quỵ. “Đây là hàng gia đình tự làm, đảm bảo sạch sẽ và hiệu quả, trị bệnh tim tốt. Đã có nhiều người mua dùng” - người phụ nữ bán hàng cho biết.

Nhiều cửa tiệm trên đường Bạch Đằng, đoạn gần chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) bán các loại nước mát như nước cam, sâm, sữa bắp... và mặt hàng nổi trội đặt sát lề đường là hàng chục hộp cơm rượu với đủ loại nếp than, nếp cẩm. Ghé một cửa tiệm, chúng tôi hỏi mua cơm rượu dạng viên truyền thống, người chủ quán lấy trong tủ lạnh ra một hộp cơm rượu và đổ thêm nước suối vào hộp vừa đủ ngập đưa cho chúng tôi. Giá một hộp cơm rượu ở đây dao động từ 20.000 đến 25.000 đồng.

Người đến mua cơm rượu ở đây khá đông. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao ăn cơm rượu có thể trị được bệnh tim, đột quỵ thì người này nhanh chóng mở cho chúng tôi xem các bài báo quảng cáo liên quan đến tác dụng của cơm rượu mà anh sưu tầm.

Cơm rượu còn được rao bán trên mạng với nhiều mức giá khác nhau. Cam kết giao hàng tận nơi và cung cấp địa chỉ liên lạc. Các trang mạng bán cơm rượu này cũng không quên đưa ra lời chào mời hấp dẫn như ăn cơm rượu trị bệnh tim, đột quỵ. “Đây là một loại thuốc Đông y hữu hiệu giúp người yếu bao tử hay bị viêm loét bao tử, khó khăn trong việc tiêu hóa. Ngoài ra ăn nhiều cơm rượu có thể giúp giảm cân, đẹp da cho phái nữ” - một trang mạng viết.

Cơm rượu có trị bệnh tim, đột quỵ? - 1

 

Cơm rượu bán trên nhiều đường phố với lời rao trị bệnh tim, đột quỵ. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Cơm rượu bán trên nhiều đường phố với lời rao trị bệnh tim, đột quỵ. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Chưa có nghiên cứu

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Trần Văn Năm, nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết theo truyền thống có từ xa xưa, cơm rượu thường được dùng trong vài ngày trước và sau tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) với mục đích diệt các vi sinh vật có hại trong hệ tiêu hóa. Ngoài ra cơm rượu được xem là loại thức ăn/uống tráng miệng bình thường.

Cơm rượu được chế biến từ nếp (nếp trắng, nếp cẩm, nếp than), nấu thành xôi và trộn với men rượu, sau đó ủ trong vài ngày sẽ thành cơm rượu. Với cách chế biến trên, các thành phần như tinh bột, chất béo, đạm, vitamin... có trong nếp sẽ chuyển hóa thành các chất được hệ tiêu hóa hấp thu dễ hơn, kèm một số chất enzyme (men) được sinh ra khi lên men sẽ hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Cũng theo BS Năm, căn nguyên của bệnh lý tai biến mạch máu não, bệnh tim và bệnh tăng huyết áp có nhiều cơ chế phức tạp, trong đó xơ vữa động mạch và máu dễ đông đóng vai trò chủ yếu. Do vậy để phòng các bệnh trên là phải chống xơ vữa động mạch và hạn chế đông máu..., nếu chỉ ăn cơm rượu chắc chắn hiệu quả rất hạn chế. Thêm vào đó, cho đến nay chưa có một công trình nào công bố cơm rượu chắc chắn hiệu quả với các bệnh kể trên.

“Cần lưu ý nếu lạm dụng như ăn lượng lớn và kéo dài sẽ không có lợi, đặc biệt những người có bệnh lý viêm xơ gan, viêm loét dạ dày và cơ địa không dung nạp được rượu” - BS Năm cảnh báo.

Thỉnh thoảng sử dụng một lượng cơm rượu là có lợi ích như kích thích tiêu hóa, tăng cảm giác thèm ăn, chống đầy bụng nhưng chưa có cơ sở trị bệnh tim, đột quỵ.

BS TRẦN VĂN NĂM, nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM

Theo Hà Phượng

Pháp luật TPHCM