1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

“Cởi trói” chính sách, khuyến khích phụ nữ đẻ nhiều con

(Dân trí) - Những năm qua, tỷ suất sinh của các cặp vợ chồng trên địa bàn thành phố đã xuống đến mức thấp kỷ lục khiến dân số rơi vào giai đoạn già hóa. Thành phố cần nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ sinh thêm con để ngăn chặn những hệ lụy trong tương lai.

“Cởi trói” chính sách, khuyến khích phụ nữ đẻ nhiều con - 1

Nhiều năm qua, tỷ suất sinh tại TPHCM liên tục giảm sâu

Kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn 24 quận huyện (giai đoạn 2009-2019), tính đến ngày 1/4/2019 toàn thành có 8.993.082 người. TPHCM tiếp tục là thành phố có dân số và mật độ dân cư cao nhất cả nước. Tuy dân số đông nhưng thành phố đang đối mặt với vấn nạn tỷ suất sinh thay thế ở mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.

Tại hội thảo chuyên đề “Vấn đề mức sinh thấp tại TP.HCM, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp” do Sở Y tế tổ chức, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố cho biết, năm 2000 tỷ suất sinh con của phụ nữ trong tuổi sinh đẻ là 1,76 con thì đến năm 2018 giảm xuống còn 1,33 con, mức sinh đang giảm nhanh và dự báo còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Hiện nay, TPHCM đang nằm trong nhóm 17 tỉnh có mức sinh thấp. Nếu tiếp tục kéo dài thực trạng này thì tương lai tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, điều này sẽ đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số tại thành phố vốn năng động nhất cả nước về kinh tế, xã hội, nguy cơ kéo theo nhiều hệ lụy.

“Cởi trói” chính sách, khuyến khích phụ nữ đẻ nhiều con - 2
Số trẻ chào đời không đạt mức sinh thay thế khiến thành phố tiến nhanh vào giai đoạn già hóa dân số

Theo phân tích của bà Mỹ Lệ, nguyên nhân tác động khiến phụ nữ sinh con ngày càng thấp là do những áp lực của cuộc sống, công việc cũng như sự thay đổi trong nhận thức, tư tưởng của phụ nữ lẫn nam giới. Trước đây, phụ nữ thường kết hôn sớm nhưng hiện nay, phụ nữ ngày càng tham gia và đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực đời sống xã hội, xu hướng phụ nữ kết hôn muộn đang ngày càng phổ biến dẫn tới sinh con muộn và sinh ít con.

Mặt khác, nhiều phụ nữ đang có xu hướng không muốn sinh con hoặc chỉ muốn sinh 1 con bởi việc nuôi dạy, chăm sóc con trẻ hiện nay cần nhiều chi phí từ ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt khiến các cặp vợ chồng “sợ” sinh con hoặc sinh nhiều con. Một số ít chị em phụ nữ không muốn lập gia đình, không muốn sinh con vì những tác động từ công việc, tâm lý và áp lực của cuộc sống đô thị hoặc xu hướng thích hưởng thụ một mình.

Các chuyên gia cảnh báo, với mức sinh thay thế đang thấp ở mức nghiêm trọng như hiện nay nếu TPHCM không có những biện pháp để can thiệp, thời gian tới mức sinh sẽ càng giảm sâu hơn. Khi dân số bước vào giai đoạn già hóa, số người trẻ, nguồn lao động thay thế không đủ đáp ứng sẽ tác động xấu đến sự phát triển kinh tế, xã hội.

“Cởi trói” chính sách, khuyến khích phụ nữ đẻ nhiều con - 3
Nuôi dạy con trẻ ngày càng khó khăn, tốn kém lại thêm nhiều áp lực của xã hội thành thị khiến các cặp vợ chồng "sợ" sinh nhiều con

Để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng cho rằng thành phố cần phải bỏ chính sách sinh đẻ có kế hoạch. Cần phải “cởi trói” từ trong chính sách từ chỗ cấm sinh 3 con sang việc mỗi cặp vợ chồng được tự quyết định số con của mình. Trước mắt, cần phải lấy chất lượng dân số bù cho số lượng dân số.

Trong khi đó, bà Mỹ Lệ đề xuất Sở Y tế cần tham mưu UBND thành phố những chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con. Theo bà Mỹ Lệ, thành phố cần miễn, giảm toàn bộ viện phí trong lần sinh con thứ 2 đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú trên địa bàn; cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà ở xã hội đối với các cặp vợ chồng có hộ khẩu thường trú tại thành phố đã sinh đủ 2 con; miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ em dưới 10 tuổi; triển khai chương trình sữa học đường, bổ sung chi phí bán trú, ăn trưa cho học sinh; giảm mức đánh giá thi đua hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ 3 trở lên.

Vân Sơn