Coi chừng nước ép quả: Nhân tạo hơn tự nhiên
Đằng sau các tuyên bố giá trị dinh dưỡng ghi trên bao bì, nước ép trái cây tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh mãn tính và khó bộc lộ sớm, các nhà khoa học cảnh báo khi mùa hạ - mùa nước ép được tiêu thụ nhiều nhất trong năm, đang đến.
Không ít nghiên cứu khoa học gieo niềm tin cho một bộ phận không nhỏ coi nước ép như lựa chọn số một để giải khát.
“Nước ép là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Thói quen sử dụng nước ép hằng ngày được tôi duy trì khoảng năm năm lại đây. Tôi uống ít nhất hai cốc nước ép mỗi ngày. Thường tôi hay mua nước ép nguyên chất vì bận. Uống hàng ngoại, tôi cảm thấy yên tâm hơn”, chia sẻ của chị Đinh Thành Lê (34 tuổi), Quận Đống Đa, Hà Nội.
Những tín đồ nước ép như chị Lê có thể tìm thấy ở hầu khắp các vùng miền. Dù là nước ép công nghiệp hay nước ép sinh tố được xay ép từ quả tươi trực tiếp rồi dùng ngay, hầu hết người dùng đều tin vào bảng dài tác dụng của các loại nước ép này.
Bổ sung các loại vitamin cần thiết, để giải khát là những lý do sử dụng nước ép trái cây phổ biến nhất của người tiêu dùng Việt Nam, trích nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu Thị trường W&S thực hiện năm 2013.
Hiệp hội Khoa học Australia nhận định “nước ép rất tốt cho sức khỏe khi thời tiết khô và nóng bức”. Theo các chuyên gia của hiệp hội, các loại nước ép như nước carotte (cà rốt) chẳng hạn không chỉ cung cấp nguồn năng lượng cao mà còn nguồn beta-carotene và carotenoid tuyệt hảo để cơ thể chuyển hóa thành vitamin A, giúp tăng cường thị lực về ban đêm và giảm nguy cơ đục thủy tinh thể do tiến trình lão hóa. Những chất chống ôxy hóa trong carotenoid giúp giảm nguy cơ ung thư phổi, dạ dày và bàng quang.
Còn nước ép xoài cung cấp nguồn vitamin A, C, E, vũ khí chống lại gốc tự do gây bệnh, làm trì hoãn tiến trình lão hóa. Hay nước cam, nước táo cung cấp nhu cầu vitamin C thiết yếu. Rồi các loại nước ép khác như nước ép dứa, bưởi, nho, cà chua.
Theo Học viện Nghiên cứu Công nghệ Haifa (Israel), bổ sung nước ép lựu vào chế độ ăn uống hằng ngày sẽ giúp tránh một số biến chứng ở bệnh thận lọc máu…
Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu Thị trường W&S năm 2013, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người thường uống các loại nước ép trái cây khoảng một lần/ngày (chiếm 26,1%) hoặc 2-3 lần/ tuần (25,2%).
Chị Vũ Thị Hoa (41 tuổi), Phú Xuyên, Hà Nội, cho biết: “Tôi thường xuyên ép quả cho cả gia đình dùng. Con trai tôi thích uống nước ép hơn ăn quả tươi. Tôi thường ép riêng từng loại mà không trộn lẫn. Uống như vậy đậm đà hơn. Các loại nước trái cây tôi thường làm gồm dứa, dưa hấu, xoài”.
Theo một tâp đoàn nước ngọt Việt Nam, “Nhóm nghiên cứu tại Đại học Y David (Mỹ) phát hiện uống nước táo làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Hơn nữa, chỉ sau sáu tuần, loại nước này đã phát huy tác dụng. Cholesterol có hại (LDL) trong cơ thể bị ôxy hoá, tạo thành những mảng cứng lắng đọng dọc theo thành động mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim) và gây xơ cứng động mạch này.
“86% người tiêu dùng lựa chọn nước ép trái cây để bổ sung vitamin cần thiết. Những lý do khác khiến khách hàng lựa chọn như giải khát chiếm 78%, mùi vị thơm ngon chiếm 71,4%, đẹp da là 64,3%” - Trích nghiên cứu “Thói quen tiêu dùng nước ép trái cây và nước trái cây chứa sữa đóng chai” tại Việt Nam, Công ty Nghiên cứu Thị trường W&S thực hiện năm 2013.
Nước táo có chứa một thành phần mang tên phytonutrient. Chất này có tác dụng giống như rượu vang đỏ và chè trong việc giảm tốc độ ôxy hoá của LDL và, như vậy, làm chậm lại quá trình dẫn đến bệnh tim.
Anh Vũ Minh Tuấn, chủ một quán cafe ở khu vực Cầu Giấy, một quận phía bắc của Hà Nội, chia sẻ, thay vì gọi coffee, giờ khách thường dùng nước ép trái cây. Mỗi ngày quán của anh bán 30-40 ly nước ép. Loại nước khách hay gọi nhất gồm xoài, dứa, cam và các loại mocktail (hoa quả trộn, sữa, siro, đá xay). Mùa hè còn nhiều hơn. Nam phụ lão ấu đều thích.
Nước cam ép A*nuta của Công ty Bidrico được quảng cáo là “nguồn cung cấp vitamin C dồi dào giúp thúc đẩy quá trình giải độc và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Hợp chất Citrus Limonoid có trong cam ép sẽ giúp phòng chống ung thư vú và ung thư phổi. Ngoài ra, nước cam ép còn giúp tăng cường độ đàn hồi của thành mạch, giúp ngăn ngừa các trường hợp xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.
Có vẻ nhiều thanh niên thích sử dụng nước ép trái cây và coi đây như thói quen thời thượng. “Ban đầu, đi chơi, tôi hay gọi nước ép. Sau uống nhiều thành quen. Đọc trên mạng, tôi thấy nước ép cũng có nhiều tác dụng, đặc biệt giúp đẹp da. Con gái, ai chẳng thích sở hữu làn da không nhăn nheo”, chia sẻ của bạn Nguyễn Thùy Dung (25 tuổi), Hà Đông, một quận ở phía nam Hà Nội.
Sử dụng nước cam ép mỗi ngày có thể giúp cải thiện làn da, tóc và móng tay vì chứa nhiều vitamin C, kalium và acid folic. Vitamin C cần thiết trong quá trình sản sinh ra collagen cùng với siêu dưỡng chất lutein, những chất trì hoãn quá trình lão hóa da. Sắc tố vàng trong cam có liên quan tới việc giảm tổn hại ở da do ánh nắng mặt trời gây ra, đồng thời được cho cải thiện độ đàn hồi của da”.
Nước ép trái cây trở thành thức uống khoái khẩu của nhiều gia đình, nhiều thành phần tuổi tác, nghề nghiệp. Nhà nhà ép quả. Ra ngoài, siêu thị có nước ép công nghiệp với đủ chủng loại, xuất xứ. Quán cafe, nhà hàng nào cũng có thực đơn đồ uống với danh sách các loại nước quả ép dài dặc. Không chỉ vậy, nhiều cửa hàng nước ép trái cây nguyên chất cũng xuất hiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân chúng.
Bốn mùa trong một mùa
Nước ép trái cây công nghiệp còn được quảng bá bổ sung nhiều đặc tính quý giá cho sức khoẻ người mà trái cây tự nhiên không có.
Thay vì phải chờ đợi mùa nào thức nấy, công nghệ bảo quản nước ép trái cây biến mong muốn thưởng thức mùi vị hoa quả mùa đông như đào, lựu ngay giữa những ngày hè trở nên dễ dàng. Nếu hoa quả tươi chỉ dùng được trong thời gian ngắn vài ngày thì nước ép đóng chai lại ưu thế hơn với thời hạn sử dụng thông thường từ sáu tháng đến 12 tháng.
Tại Hà Nội, số khách hàng tiêu thụ nước ép một lần/ngày chiếm 2/3 tổng số khách hàng sử dụng nước ép trong ngày; trong khi đó, nhóm khách hàng sử dụng một lần/tuần là 26,9% trong tổng số khách hàng sử dụng nước ép trong tuần. Tại các tỉnh khác, số khách hàng tiêu thụ một lần/ngày chiếm 27,4%. Hơn 50% nam và nữ thường xuyên uống nước ép trái cây ít nhất một lần/ngày, và 23% trong số những người còn lại có mức độ uống ít hơn, khoảng 2 - 3 lần tuần.
Không chỉ vậy, bảo quản nước ép còn được khoa học chỉ ra nhiều công dụng khác. “Nước ép đóng chai không làm giá trị dinh dưỡng mất dần theo thời gian và không bị tấn công bởi các vi sinh vật gây bệnh”, Thạc sĩ Ngô Xuân Dũng, giảng viên Bộ môn Thực phẩm Dinh dưỡng, Khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, cho biết.
“Người ta có thể bổ sung hợp chất chống oxy hóa, thường là vitamin C (acid ascorbic), để vừa tăng hàm lượng chất dinh dưỡng vừa hạn chế quá trình oxy hóa các thành phần dinh dưỡng”.
Hơn hẳn quả tự nhiên, nhà sản xuất dễ dàng bổ sung bất cứ thành phần dinh dưỡng nào vào nước ép theo ý muốn. Theo cách họ thường nói để đảm bảo “tốt nhất với sức khỏe người sử dụng”, các vitamin hay thậm chí cả chất xơ thường được bổ sung phổ biến hơn cả.
Theo Thạc sĩ Ngô Xuân Dũng, thế giới phụ gia nhân tạo có đầy đủ các hợp chất để cân đối thành phần như tự nhiên. Hàm lượng chất xơ khi ăn quả tươi trực tiếp chỉ là loại xơ bình thường. Trong khi đó, nước ép chế biến được bổ sung xơ hòa tan, với các phân tử cellulose được làm nhỏ đến cấu trúc nano (siêu mịn), giúp tăng hiệu quả hấp thụ so với chất xơ từ hoa quả tươi.
Lựa chọn hàng đầu
Với hàng loạt phát hiện về lạm dụng sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình gieo trồng, bảo quản, ăn hoa quả tươi trực tiếp càng khiến không ít người tỏ ra ái ngại về độ an toàn.
“Quả gì cũng sợ thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản. Dùng nước ép cho lành”, lý giải của chị Nguyễn Thị Phượng (53 tuổi), Hà Nội.
Ngay những người trong nghành thực phẩm cũng phát hoảng khi chia sẻ thói quen sử dụng hoa quả hằng ngày. Thạc sĩ Ngô Xuân Dũng cho hay: “Tôi không dám ăn hoa quả, không dám uống nước sinh tố, một loại nước ép chế biến trực tiếp từ quả tươi bằng phương pháp thủ công.
Ra chợ mua hoa quả, làm sao biết được lượng tồn dư thuốc bảo quản thực vật trên các loại quả đó là bao nhiêu. Tôi chỉ sử dụng hoa quả nếu có nguồn cung cấp mà bản thân cảm thấy an tâm. Ví như tôi hay mua chuối, ổi sạch của nhà hàng xóm về xay nước ép”.
Kính mời độc giả đón đọc Kỳ 2 “Hốt bạc”.
Các nghiên cứu thị trường mới nhất cho thất thức uống trái cây ngày càng được ưa chuộng. Tốc độ tiêu dùng nước ép trái cây bình quân đầu người tăng nhanh trong nhiều năm qua so với thức uống có gas.
Cứ 10 người, có sáu người chọn nước ngọt không gas. Kinh doanh nước ép trái cây trở thành lĩnh vực kiếm tiền béo bở.
Theo Trương Thị Ngọc Thuỳ
Tiền phong